Hiệu quả từ mô hình "Sản xuất chè an toàn"

07:32 03-10-2019 | :1096

Laocaitv.vn - Là một trong những địa phương có vùng nguyên liệu chè lớn với diện tích lên tới 637 ha, tuy nhiên, trên thực tế, cây chè Shan của xã Bản Xen, huyện Mường Khương cho năng suất và sản lượng chưa cao. Để giúp các hộ trồng chè ở địa phương này nắm được các kỹ thuật thâm canh sản xuất chè an toàn, tiến tới nâng cao giá trị các đồi chè, đầu năm 2019, với sự hỗ trợ của Trung Tâm Khuyến Nông Quốc gia, Trung tâm Khuyến Nông tỉnh Lào Cai đã triển khai mô hình "Sản xuất chè an toàn" năm 2019.

Mường Khương có vùng nguyên liệu chè lớn, nhưng năng suất và sản lượng đạt chưa cao. 

Mô hình "Sản xuất chè an toàn" được triển khai diện tích 30 ha, với 60 hộ dân tham gia, đây đều là những hộ đã tham gia mô hình "Sản xuất chè an toàn” liên tiếp trong 02 năm 2017 và 2018. Riêng năm 2019 này, mô hình đặt mục tiêu cụ thể là đưa năng suất trung bình của các đồi chè đạt 18 tấn/ha trở lên, chất lượng chè đảm bảo an toàn. Hiệu quả kinh tế các hộ tham gia mô hình sẽ tăng khoảng 20% so với các đồi chè ngoài mô hình. Quá trình thực hiện, các hộ dân được hỗ trợ 50% phân bón hữu cơ vi sinh cao cấp chuyên dùng cho cây chè. Trung tâm Khuyến Nông và dịch vụ Nông nghiệp tỉnh đã phân công 03 cán bộ kỹ thuật, thường xuyên bám sát địa bàn để tư vấn, hướng dẫn bà con kỹ thuật chăm sóc, cách phòng trừ sâu bệnh và bảo quản chè búp tươi, giúp bà con thành lập 03 tổ, nhóm liên kết liên kết nông dân cùng sở thích sản xuất chè an toàn. Bà Trần Thị Hà, thôn Na Phả, xã Bản Xen, huyện Mường Khương chia sẻ: "Chúng tôi thường xuyên được tập huấn các kiến thực về cây chè, khi trồng, chăm sóc cây chè thì được hỗ trợ phân vi sinh, phân LPK, phân lân, ka li và thuốc bảo vệ thực vật..., các vật tư này đảm bảo an toàn đối với cây chè. Trước kia chúng tôi chưa biết thế nào là chè sạch, thế nhưng từ khi tham gia mô hình này được các cán bộ kỹ thuật hướng dẫn cách chăm sóc cây chè, nên bây giờ cũng biết nhiều rồi. Từ năm 2017 đến nay các cán bộ vẫn thường xuyên xuống hướng dẫn kỹ thuật, nên cây chè cho năng suất cao hơn trước".

Các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 50% phân bón hữu cơ vi sinh cao cấp chuyên dùng cho cây chè.

Ngoài ra, Trung Tâm Khuyến nông và Dịch vụ Nông nghiệp tỉnh đã chủ động phối hợp với Công ty cổ phần chè Thanh Bình xây dựng mạng lưới cộng tác viên tại các nhóm hộ sản xuất và trực tiếp là đầu mối quản lý vùng nguyên liệu để tiến hành thu mua sản phẩm chè búp tươi cho bà con. Sau 06 tháng triển khai thực hiện, mô hình "Sản xuất chè an toàn” đã cho kết quả khả quan. Ông Lê Văn Mần, Tổ Trưởng tổ 1, mô hình "Sản xuất chè an toàn" xã Bản Xen, huyện Mường Khương cho biết: "Trước kia chưa tham gia mô hình thì chè ở đây đạt năng suất 12 tấn/ha/năm, sau khi tham gia năm đầu tiên thì năng suất chè tăng lên 14 tấn/ha. Đến thời điểm hiện tại đạt từ 18 đến 20 tấn/ha/năm, so với trước kia thì tổng sản lượng và năng suất chè tăng cao".   

Từ đầu vụ đến nay, toàn bộ diện tích chè thuộc mô hình "Sản xuất chè an toàn” của xã Bản Xen đã cho thu hoạch 12 - 15 lứa, năng suất bình quân tăng 40,2% so trước khi thực hiện mô hình. Chất lượng được đánh giá đảm bảo an toàn, nhờ vậy việc tiêu thụ thuận lợi hơn. Có thời điểm, sản phẩm chè búp tươi được doanh nghiệp thu mua với mức giá 6.500 – 7.000 đồng/kg búp tươi, với mức giá ra này, sau khi trừ chi phí, mỗi ha chè nông dân lãi 89.350 nghìn đồng.

Có thể thấy, bằng việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào canh tác, mô hình "Sản xuất chè an toàn", đã nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, giúp người dân xã Bản Xen khắc phục được một số hạn chế, tồn tại trong sản xuất thâm canh chè, góp phần nâng cao thu nhập và đời sống cho bà con./.

An Hồng – Quang Thuận


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết