Hỗ trợ có ràng buộc: Cách để bà con thoát nghèo bền vững

07:30 10-07-2022 | :195

Laocaitv.vn - Đại bộ phận người dân, nhất là ở những xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số hiện đã cơ bản thoát khỏi tư tưởng trông chờ vào sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước. Bà con đã có kiến thức, kỹ thuật và nỗ lực tự vươn lên. Một trong những nguyên nhân quan trọng tạo nên sự chuyển biến đó là từ việc thay đổi phương thức hỗ trợ từ "cho không" sang "hỗ trợ có ràng buộc trách nhiệm".

 

Hàng trăm chương trình, dự án hỗ trợ sinh kế đang được triển khai trên toàn tỉnh, chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc điểm chính của các chương trình, dự án này là không còn "cho không, cấp không", mà có ràng buộc trách nhiệm, đối ứng của người được hưởng lợi. Từ đó người dân có ý thức, trách nhiệm với tư liệu sản xuất được trao tặng, hỗ trợ.

Ông Nguyễn Viết Ánh, Chủ tịch Hội Nông dân thị xã Sa Pa cho biết: "Để đảm bảo phát triển bền vững, trong các chi tổ hội nghề nghiệp hoặc các mô hình chúng tôi làm thí điểm, mỗi hộ dân tham gia dự án sẽ phải ký cam kết khi thành công, có hiệu quả thì mỗi hộ phải có trách nhiệm chia sẻ một phần giống, nhân giống cho các hộ khác".

Hỗ trợ có ràng buộc, người dân sẽ có ý thức với tư liệu sản xuất được trao tặng.

Việc thay đổi phương thức hỗ trợ phát triển sản xuất theo hướng ràng buộc trách nhiệm đã góp phần thay đổi nhận thức, tinh thần vươn lên của người dân, nhất là ở các xã vùng khó khăn. Đồng vốn của Nhà nước cũng được sử dụng hiệu quả, việc giảm nghèo từ đó vững chắc hơn. Kết thúc năm 2021, toàn tỉnh còn 35,29% hộ nghèo. Tỷ lệ giảm nghèo tại các huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a của Chính phủ bình quân giảm 8,6%/năm.

Đây cũng là tiền đề quan trọng để Lào Cai phấn đấu hoàn thành mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân từ 3 - 5%/năm trở lên, theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2021 - 2025.

Mai Huệ - Minh Dũng


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết