Hướng đi mới giúp đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế

16:28 05-01-2021 | :461

Laocaitv.vn - Sau 8 tháng triển khai thực hiện mô hình “Bảo tồn và nhân giống cây thất diệp nhất chi hoa” do Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật Hoàng Liên triển khai thực hiện đã cho hiệu quả bước đầu. Thành công của mô hình không chỉ góp phần phục vụ hiệu quả cho công tác nghiên cứu khoa học mà còn góp phần tạo ra mô hình sinh kế giúp nhiều người dân địa phương có thêm nguồn thu, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Bà Lý Nảy Chẳn chăm sóc cây thất diệp nhất chi hoa tại vườn nhà mình.

Gia đình bà Lý Nảy Chẳn ở thôn Phìn Hồ, xã Ngũ Chỉ Sơn, thị xã Sa Pa di thực thành công cây thất diệp nhất chi hoa từ rừng tự nhiên về trồng tại nhà đã cùng lúc mang lại cho gia đình bà rất nhiều lợi ích. Bà Lý Nảy Chẳn chia sẻ: “Đưa cây thất diệp nhất chi hoa về trồng ở nhà tôi tiện chăm sóc. Thương lái đến tận vườn nhà tôi thu mua, bán được 500.000 đến 600.000 đồng/kg, không phải vào rừng tìm kiếm, đào bới như trước vất vả lắm, nhưng do chưa có kỹ thuật nên việc nhân giống cây này gặp nhiều khó khăn”.

Trước thực tế đó, tháng 4/2020 Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật Hoàng Liên đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết, như nhà lưới, hệ thống tưới tiêu, vật tư và thu thập đủ số lượng 5.000 cây thất diệp nhất chi hoa phục vụ xây dựng vườn giống gốc. Củ giống khi mua về đều được phun thuốc phòng chống nấm bệnh sau đó ươm trồng trên luống và trong sọt nhựa đen. Hằng ngày, chăm sóc tưới nước đầy đủ và định kì hằng tháng nhổ cỏ, phá váng nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho cây sinh trưởng và phát triển. Đến nay, hầu hết toàn bộ củ giống đã mọc mầm, sinh trưởng và phát triển tốt, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở đây. Việc thực hiện thành công mô hình này đã cùng lúc mang lại rất nhiều lợi ích. Chị Hoàng Thị Xuân, cán bộ Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật Hoàng Liên cho biết: "Chúng tôi sử dụng vườn ươm công nghệ, với hệ thống tưới tiêu tự động và có hệ thống che nắng, che mưa để đảm bảo cho sự sinh trưởng, phát triển của cây. Mục đích của chúng tôi là tạo ra vườn cây bố mẹ có chất lượng tốt nhất để lấy hạt gây cây giống".

Cán bộ Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật Hoàng Liên chăm sóc cây thất diệp nhất chi hoa.

Ông Lã Văn Tới, Giám đốc Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật Hoàng Liên cho biết: "Việc bảo tồn và phát triển các loài dược liệu quý hiếm không chỉ có ý nghĩa trước mắt mà còn có ý nghĩa lâu dài về cả khoa học và thực tiễn. Trong năm 2020 Trung tâm đã tổ chức triển khai thực hiện mô hình 7 lá một hoa. Đây là mô hình chuyển vị đầu tiên ở Vườn Quốc gia Hoàng Liên nói riêng và trên địa bàn tỉnh Lào Cai nói chung. Bên cạnh đó, chúng tôi tạo ra vườn cây bố mẹ để nhân giống cung cấp cho người dân thực hiện các mô hình sinh kế, giảm tác động lên tài nguyên rừng".

Những thành công bước đầu của mô hình thử nghiệm chắc chắn sẽ có một lượng lớn cây thất diệp nhất chi hoa giống được sản xuất ra, tạo sinh kế phát triển nông nghiệp bền vững, giúp người dân địa phương xóa đói giảm nghèo, ổn định đời sống. Từ đó, góp phần bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên rừng đặc dụng Vườn Quốc gia Hoàng Liên.

Bài, ảnh: Mai Huệ - Minh Dũng


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết