Laocaitv.vn - Với trăn trở muốn tìm hướng đi mới trong phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, năm 2007 anh Giàng A Chá, người dân tộc Mông, thôn Lếch Mông A, xã Thanh Kim, huyện Sa Pa đã mạnh dạn đưa cây địa lan vào thử nghiệm nhân giống, chăm sóc và anh đã thành công. Từ mô hình này, Giàng A Chá không chỉ phát triển kinh tế cho gia đình mà còn truyền cảm hứng lao động, sáng tạo giúp nhiều thanh niên tại địa phương học hỏi làm theo cùng vươn lên thoát nghèo.
Anh Giàng A Chá, dân tộc Mông thoát nghèo nhờ trồng địa lan.
Vườn địa lan gồm 200 chậu có giá trị hàng trăm triệu đồng là thành quả sau quá trình tìm tòi, tự học hỏi của anh Giàng A Chá, thôn Lếch Mông A, xã Thanh Kim. Địa lan là giống cây đòi hỏi người trồng phải có kỹ thuật cao trong quá trình chăm sóc, đặc biệt là khi nhân giống và phát triển cây, cho cây ra hoa đúng thời điểm. Bởi vậy, anh Giàng A Chá đã phải trải qua không ít thất bại để đạt được thành công.
Cùng với việc đảm bảo áp dụng kỹ thuật nghiêm ngặt trong quá trình trồng, chăm sóc thì anh Giàng A Chá còn giữ quy trình chăm sóc lan rất tỉ mỉ từ việc bón phân đến cắt tỉa lá cũng như chú trọng đến việc phòng trừ sâu bệnh trên cây. Để chủ động hơn trong việc nhân giống lan, từ năm 2016 anh Chá đã mày mò, học cách làm chậu bằng xi măng để trồng lan. Việc làm này giúp anh tiết kiệm được chi phí và nhân công rất lớn.
Thành công đến từ sự lạc quan, ý chí và sáng tạo.
Từ năm 2017 đến nay, vườn địa lan của gia đình anh Giàng A Chá luôn được duy trì trên dưới 200 chậu. Với giá trung bình từ 1.500.000 đồng - 3.000.000 đồng 1 chậu tùy vào số lượng cành lan, hàng năm trồng địa lan đã mang lại cho gia đình anh Chá nguồn thu từ 60 - 100 triệu đồng. Không chỉ phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho gia đình anh Giàng A Chá còn tích cực tuyên truyền nhân dân tại địa phương thực hiện chuyển đổi cơ cấy cây trồng, cung cấp giống, hướng dẫn kỹ thuật để cùng nhân rộng, phát triển cây địa lan.
Từ thành công của bản thân với mô hình trồng địa lan, anh Giàng A Chá đã truyền cảm hứng cho nhiều hộ dân và đoàn viên, thanh niên tại địa phương cùng tham gia nhân rộng và phát triển cây địa lan. Từ một thôn có tỷ lệ hộ nghèo cao thì đến nay, thu nhập của người dân đã đạt 33,57 triệu đồng/người/năm. Trong đó, rất nhiều hộ dân tại địa phương đã vươn lên thoát nghèo, từ việc trồng và phát triển cây địa lan.
Bằng sự cần cù, chăm chỉ, dám nghĩ dám làm anh Giàng A Chá là một trong những thanh niên người Mông đầu tiên tại Lếch Mông A đã và đang gặt hái được thành công khi nâng cao thu nhập, thoát nghèo từ mô hình trồng cây địa lan. Những tấm gương điển hình như anh Giàng A Chá cần được phát huy và nhân rộng, là hình mẫu để đoàn viên, thanh niên tại địa phương học tập, làm theo.
Vân Anh - Ngọc Dương
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết