Lãng phí trong sử dụng nước sinh hoạt vùng cao

15:47 26-05-2023 | :131

Laocaitv.vn - Nhiều người dân vùng cao sử dụng nguồn nước trong tự nhiên để phục vụ đời sống. Tuy nhiên, chính vì suy nghĩ: Nước trong tự nhiên luôn có sẵn nên ít ai có ý thức bảo vệ nguồn nước này. Tình trạng sử dụng lãng phí tài nguyên nước diễn ra khá phổ biến, bất chấp việc khan hiếm nước mùa nắng nóng diễn ra ở nhiều nơi.

 

Tại các hộ dân, mỗi khi sử dụng xong, dòng nước cứ để chảy liên tục hết sức lãng phí.

Nấu ăn, giặt giũ, tắm gội... mọi sinh hoạt hàng ngày của gia đình chị Dính đều sử dụng nước được lấy từ đầu nguồn chảy về. Nhưng mỗi khi sử dụng xong, dòng nước cứ để chảy liên tục hết sức lãng phí. "Nước chảy từ nguồn xuống thì cứ chảy suốt ngày, suốt đêm, không cần phải có van khóa nên cũng không cần lo về vấn đề sử dụng nước", chị Thào Thị Dính, thôn Suối Thầu 1, xã Ngũ Chỉ Sơn, thị xã Sa Pa cho hay.

Thậm chí, có những gia đình đầu tư bể chứa nước, lắp đặt đầy đủ hệ thống van khóa vẫn vô tư để nước chảy. "Chúng tôi tuyên truyền là mỗi gia đình phải có một khóa nước, hộ này đủ nước dùng rồi thì phải chuyển sang hộ khác. Nhưng người dân ở đây quan niệm đã là nguồn nước của mình thì mình không cho hộ khác dùng", anh Giàng A Lử, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ngũ Chỉ Sơn, thị xã Sa Pa cho biết.

Ở Sa Pa xuất hiện tình trạng cá nước lạnh chết do các bể nuôi không đủ nước.

Nắng nóng kéo dài, trong khi sử dụng nước lãng phí đã khiến nhiều khu vực ở vùng cao rơi vào cảnh thiếu nước nghiêm trọng. Ở Sa Pa, đã xuất hiện tình trạng cá nước lạnh chết do các bể nuôi không đủ nước. Thiếu nước khiến các vụ tranh chấp nguồn nước sinh hoạt và sản xuất liên tiếp xảy ra. "Hộ làm trước thì kéo ở dưới, hộ làm sau thì nhảy lên đầu nguồn. Nhiều vụ việc tranh chấp xảy ra dẫn đến thiếu nước cung cấp vào bể cá", anh Chảo Láo Tả, thôn Can Hồ B, xã Ngũ Chỉ Sơn, thị xã Sa Pa chia sẻ.

Nguồn nước tự nhiên có vai trò quan trọng trong đời sống, sản xuất của người dân vùng cao. Tuy nhiên, chính thói quen sử dụng lãng phí trong sinh hoạt hàng ngày khiến nguồn tài nguyên này đối mặt với nhiều thách thức. Nhiều ý kiến cho rằng, Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) tới đây cần có những quy định thắt chặt quản lý nguồn tài nguyên nước. "Mong rằng qua luật sửa đổi này thì sẽ cập nhật thực tiễn trong 12 năm qua. Chúng ta đã thực hiện Luật Tài nguyên nước mà Quốc hội thông qua; bổ sung vào các cơ chế, chế tài, thậm chí là bổ sung vào các nguồn lực để chúng ta thực hiện, duy trì, phát triển nguồn nước được ổn định", ông Hồ Cao Khải, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Lào Cai nói.

Tài nguyên nước bị lãng phí là câu chuyện không mới, bởi vẫn còn rất nhiều người coi đây là tài nguyên vô tận. Vì thế, việc tuyên truyền để thay đổi nhận thức, nâng cao ý thức sử dụng nước hiệu quả, tiết kiệm cần được đặc biệt coi trọng.

Trung Kiên - Xuân Anh


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết