Lào Cai hướng đến mục tiêu xây dựng vùng chè an toàn

13:47 03-11-2020 | :440

Laocaitv.vn - Tỉnh Lào Cai hiện có vùng chè lên đến hơn 6.000 ha. Phần lớn sản lượng chè khô được xuất khẩu nhưng chủ yếu ở mức giá thấp. Để nông dân có thu nhập cao và bền vững hơn thì yêu cầu về xây dựng vùng chè an toàn, đạt các tiêu chuẩn quốc tế cần phải hướng tới để chè Lào Cai có thể xuất khẩu đến các thị trường cao cấp trong tương lai.

Vùng chè xã Phú Nhuận, huyện Bảo Thắng hiện có diện tích lên đến gần 350 ha. Là vùng chè mới hình thành khoảng 15 năm, nên toàn bộ được trồng bằng chè giâm hom. Đây cũng là vùng chè đạt tỷ lệ đồng đều cao, khoảng cách ổn định, không bị mất khoảng. Là vùng chè mới nên nhiều biện pháp kỹ thuật trong việc trồng, chăm sóc, thu hái cũng được nông dân tiếp cận. Nhờ đó, Phú Nhuận trở thành vùng có năng suất chè cao nhất tỉnh.

Vùng chè xã Phú Nhuận có năng suất cao nhất tỉnh.

Toàn bộ chè búp tươi của tỉnh được 10 doanh nghiệp, cơ sở chế biến sản phẩm chè và khoảng 300 lò chế biến tư nhân thu mua. Năm 2020, dự ước sản phẩm chè chế biến đạt trên 6.000 tấn. Chè chế biến dạng thô xuất khẩu sang các nước Trung Đông chiếm khoảng 45%, với giá xuất khẩu trung bình từ  2,2 - 2,3 USD mỗi kg; Chè Ô Long, chè hữu cơ và các sản phẩm chè xuất khẩu sang Đài Loan chỉ chiếm 6,85% tổng sản lượng, giá xuất khẩu 8 - 30 USD mỗi kg; Phần còn lại là chè chế biến bán thị trường trong nước và nội tỉnh, với giá bán bình quân từ 100.000 - 300.000 đồng mỗi kg. Có thị trường xuất khẩu ổn định cũng là điều kiện để các doanh nghiệp ký hợp đồng lâu dài với nông dân và nâng công suất chế biến.

Khi Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu chính thức có hiệu lực, Công ty Cổ phần Phong Hải Lào Cai cũng nhanh chóng đối thoại với nông dân vùng trồng chè đặc sản để thay đổi phương pháp chăm sóc chè. Vấn đề cốt lõi là nâng cao chất lượng sản phẩm chè búp và mở rộng diện tích để đáp ứng những đơn hàng lớn. Năm 2019, chè búp tươi chất lượng cao được mua với giá là 8.000 đồng thì năm 2020 công ty đang mua với giá là 10.000 đồng mỗi kg. Khi áp dụng nghiêm ngặt quy trình canh tác hữu cơ hoặc quy trình canh tác GLOVGAP theo chuẩn Châu Âu, giá mua chè búp tươi chắc chắn sẽ được nâng lên cao hơn.

Ông Vũ Minh Đức, Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Phong Hải Lào Cai cho biết: "Công ty đã phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền đến các hộ trồng chè tập trung thâm canh, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm để đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào chất lượng cho công ty. Công ty đã đầu tư dây truyền công nghệ và đang xây dựng thương hiệu; đồng thời cũng đã làm việc với Cục Sở hữu trí tuệ để đăng ký nhãn hiệu độc quyền cho sản phẩm chè".

Dự ước năm 2020, sản phẩm chè chế biến của tỉnh Lào Cai đạt trên 6.000 tấn.

Tiến sỹ Nguyễn Hữu Tài, Chủ tịch Hiệp hội chè Việt Nam cho rằng: "Tỉnh Lào Cai nên có chính sách tạo cơ hội cho các hộ trồng chè thành lập HTX. Từ HTX ký hợp đồng với công ty làm dịch vụ nông nghiệp cho bà con; hướng dẫn sử dụng thuốc sâu, phân bón, thu hái, vận chuyển, đặc biệt là phải cơ giới hóa, phải đưa máy vào sản xuất. Nếu nơi nào có điều kiện hái máy thì phải có chương trình tạo tán chè để đưa năng suất lao động cao lên, từ đó thu nhập của bà con mới ổn định".

Sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP, GLOVGAP, tiến tới là sản phẩm cấp quốc gia là kết quả của sự vào cuộc, phối hợp chặt chẽ giữa 4 nhà: Nông dân, khoa học, nhà nước và doanh nghiệp. Đây là điều kiện thuận lợi để nông dân chuyển đổi cơ cấu lao động theo chương trình xây dựng nông thôn mới khi mà các địa phương xác định cây chè là cây làm giàu.

 Ngọc Hà – Ngọc Dương


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết