Laocaitv.vn - Các tỉnh phía Bắc với lợi thế về vùng miền, văn hóa đặc trưng là điều kiện để xây dựng ý tưởng, phát triển các sản phẩm đạt sao OCOP. Quan trọng là các địa phương cần phải xây dựng mối liên kết từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm nhằm gia tăng giá trị, mở rộng thị trường, từ đó hướng tới xuất khẩu.
Sản phẩm quế ống sáo Tâm Hợi ở huyện Bảo Thắng là một trong 26 sản phẩm vừa được cấp chứng nhận đạt sao OCOP cấp tỉnh. Để có được chứng nhận này, trong nhiều năm qua, cơ sở tư nhân của chị Tạ Thị Hợi đã chủ động xây dựng vùng nguyên liệu quế; đồng thời, vận động nhiều gia đình trong thôn cùng trồng quế theo các tiêu chuẩn an toàn.
Nếu như trước đây, bà con tự bóc quế, phơi rồi bán thô cho thương lái thì nay bán trực tiếp cho cơ sở chế biến, giảm bớt nhiều khâu trung gian nên cho thu nhập cao hơn. Chị Hợi cho rằng, khi thị trường quế rộng lớn, làm quế đạt chất lượng thì sẽ không lo đầu ra, chính vì vậy chị đã xây dựng thương hiệu quế ống sáo.
Cơ sở sản xuất quế ống sáo Tâm Hợi (xã Sơn Hà, huyện Bảo Thắng) - Sản phẩm được chứng nhận 3 sao OCOP cấp tỉnh.
Qua chia sẻ của các đơn vị tham gia Hội chợ Nông nghiệp và sản phẩm OCOP khu vực phía Bắc năm 2020 cho thấy, các tỉnh đều đã có sản phẩm được công nhận đạt sao OCOP cấp tỉnh. Từ đó, việc tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp, HTX và hộ gia đình cũng tốt hơn, thị trường lớn hơn. Nhưng điều quan trọng nhất là phải duy trì, nâng cao chất lượng để tiến tới thăng hạng sản phẩm. "Tổ chức, cá nhân nếu không làm tốt công tác nâng cao chất lượng, quảng bá giới thiệu để tiêu thụ sản phẩm thì có những sản phẩm OCOP sau khi đánh giá công nhận có thể sẽ không phát triển được", ông Nguyễn Đại Thành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang trao đổi với phóng viên.
Các sản phẩm OCOP cần được nâng cao chất lượng, quảng bá tiêu thụ nếu không có thể sẽ không phát triển được lâu dài.
Đến thời điểm này, cả nước có tổng số 2.088 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có 48 sản phẩm đạt hạng 5 sao OCOP cấp quốc gia. Dự kiến đến hết năm 2020 sẽ có 3.800 sản phẩm được chuẩn hóa OCOP. Tuy nhiên, theo PGS.TS Trần Văn Ơn, cố vấn cao cấp chương trình mỗi xã một sản phẩm cấp quốc gia thì có đến 30% số sản phẩm đạt sao OCOP sẽ không phát triển được lâu dài.
PGS. TS Trần Văn Ơn cho rằng: "Vấn đề chính là phải nhận ra hạn chế bị lãng quên, có nghĩa là phát hiện ra điểm yếu của đơn vị sản xuất, đó chính là vai trò của Nhà nước trong chương trình OCOP. Nhưng điều quan trọng là khi phát hiện ra sản phẩm tốt, muốn phát triển lên, Nhà nước phải giúp quy hoạch vùng sản xuất tốt hơn, theo chuỗi giá trị, quản trị chất lượng 4.0… cộng với đào tạo đội ngũ cán bộ của các HTX, công ty sản xuất sản phẩm đó thì tôi tin chắc sẽ phát triển được sản phẩm lên một tầm mới".
Trong bối cảnh nông nghiệp nước ta đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh còn thấp cùng những tác động từ thời tiết, biến động thị trường thì việc tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm OCOP hướng tới xuất khẩu còn tồn tại nhiều nút thắt. Giải pháp về tổ chức sản xuất, chế biến, phân phối, kênh bán lẻ, thị trường tiêu thụ và người tiêu dùng sẽ cần được coi trọng hơn nữa để chương trình OCOP thực sự tạo nên thay đổi căn bản cho khu vực nông thôn.
Ngọc Hà – Quang Ánh – Việt Hòa
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết