Ngành chế biến lâm sản gặp khó khăn về tiêu thụ

14:54 11-05-2023 | :217

Laocaitv.vn - Sau một thời gian trầm lắng do dịch Covid-19, thời điểm này, việc xuất khẩu các sản phẩm lâm sản chủ lực của Lào Cai như gỗ bóc và tinh dầu quế đang dần hồi phục. Tuy nhiên, thực tế giá không tăng, thậm chí một số sản phẩm còn giảm đang gây nhiều khó khăn cho các cơ sở sản xuất và chế biến.

Thời điểm này, mỗi ngày, xưởng sản xuất ván bóc của bà Lại Thị Nhung ở thôn Pác Mạc, xã Vĩnh Yên, huyện Bảo Yên chế biến 8 m3 - 10 m3 gỗ nguyên liệu, tương đương 6 - 8 khối ván bóc, tạo việc làm, thu nhập cho nhiều lao động địa phương. Anh Nguyễn Văn Tuyn, ở xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên cho biết: "Chúng tôi làm một tháng được khoảng 24 đến 25 công, thu nhập từ 200.000 - 300.000 đồng/ngày, mỗi tháng cũng được từ 6 đến 7 triệu đồng".

Việc sản xuất gỗ bóc của cơ sở này đang cầm chừng, công suất chỉ đạt từ 60% - 70% so với trước dịch Covid-19. Nguyên nhân chính là do giá bán sản phẩm sâu, hiện chỉ còn từ 2.150.000 - 2.200.000 đồng/m3 thành phẩm, giảm 400.000 - 450.000 đồng so với thời gian trước.

Xưởng sản xuất gỗ bóc hoạt động cầm chừng do giá bán sản phẩm giảm sâu.

Cùng với ván bóc, việc giá sản phẩm giảm thấp cũng đang tác động trực tiếp đến ngành chế biến tinh dầu quế. Hiện, giá 1 lít tinh dầu giảm từ 600.000 đồng xuống chỉ còn trên 400.000 đồng. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến cho hàng chục tấn tinh dầu vẫn tồn kho.

Bà Nguyễn Thị Liễu, Phó Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Thái cho biết: "Sang năm 2023, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn về đầu ra. Dù làm có lãi hay không thì chúng tôi vẫn phải duy trì sản xuất, vẫn phải làm".

Giá tinh dầu quế giảm mạnh nhưng các nhà máy vẫn phải duy trì sản xuất.

Bảo Thắng là vùng trọng điểm nguyên liệu phục vụ cho chế biến lâm sản của tỉnh. Đây cũng là địa phương có nhiều cơ sở chế biến, với khoảng 600 lao động tham gia. Tuy nhiên, con số này chỉ bằng 1/2 so với thời điểm trước dịch Covid-19. Giá bán sản phẩm giảm nên mức lương bình quân của lao động chỉ còn 5 - 6,5 triệu đồng/tháng.

Ông Phạm Văn Tuấn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Bảo Thắng cho biết thêm: "Thời điểm hiện nay, ván bóc và tinh dầu quế hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Chính vì thế, định hướng lớn của huyện là đang tạo cơ chế chính sách, mở cửa mời các doanh nghiệp chế biến tinh, sâu các sản phẩm".

Trước những khó khăn về đầu ra sản phẩm của ngành chế biến lâm sản hiện nay, việc đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng, đa dạng hóa thị trường, đa dạng hoá sản phẩm, tiết kiệm chi phí sản xuất để tăng sức cạnh tranh sản phẩm là điều có ý nghĩa sống còn với doanh nghiệp. Cùng với đó, phải tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền về nguồn gốc gỗ hợp pháp, tiêu chuẩn về sản phẩm đồ gỗ và lâm sản của nước nhập khẩu. Chỉ có như vậy mới nâng cao giá trị chuỗi sản xuất, tạo việc làm, thu nhập bền vững cho người dân.

Thế Văn


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết