Nhiều mô hình điểm trong phát triển kinh tế

20:29 30-01-2023 | :472

Laocaitv.vn - Từ sự vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền, hội, đoàn thể, cùng sự năng động, tích cực của đồng bào các dân tộc, huyện Bát Xát đã có sự phát triển mạnh mẽ trong sản xuất, kinh doanh giảm nghèo bền vững. Trên địa bàn huyện đã xuất hiện nhiều tấm gương đồng bào dân tộc thiểu số vượt khó, trở thành hộ sản xuất, kinh doanh giỏi tiêu biểu. 

 

Anh Lò Láo Tả khởi nghiệp từ nuôi lợn đen bản địa và lợn lai rừng.

Được Hội Nông dân xã hỗ trợ, anh Lò Láo Tả ở thôn Tùng Sáng, xã A Mú Sung mạnh dạn vay 400 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội đầu tư nuôi lợn đen bản địa và lợn lai rừng. Từ 20 con giống đầu tiên, đến nay tổng đàn lợn duy trì từ 150 - 200 con. Trung bình mỗi năm, gia đình anh thu từ 350 - 400 triệu đồng từ bán lợn thịt và lợn giống. Dưới tán 3 ha rừng quế, mỡ, anh Tả còn tranh thủ nuôi thêm dê, gà, vịt... Anh Lò Láo Tả cho biết: "Mô hình của tôi được nhiều người quan tâm, đặc biệt là cấp ủy, chính quyền từ huyện đến xã. Tôi cũng đã mạnh dạn vay vốn mở rộng thêm chuồng trại chăn nuôi. Đến thời điểm này mô hình của em đạt hiệu quả kinh tế khá tốt, mang lại thu nhập cho gia đình". 

Hơn 12 năm làm trưởng thôn Cửa Cải, anh Vàng Văn Sưởng luôn trăn trở làm sao để cùng Chi bộ lãnh đạo Nhân dân phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Anh quyết định mở cơ sở chiết xuất tinh dầu từ thảo dược sẵn có của địa phương. Cơ sở được mở rộng thành HTX Mường Kim, doanh thu mỗi năm đạt hơn 1 tỷ đồng. Anh Vàng Văn Sưởng, Giám đốc HTX Mường Kim, xã Mường Vi, huyện Bát Xát cho biết: "Trong phát triển kinh tế tôi đã áp dụng mô hình HTX tạo công ăn việc làm cho bà con. Ngoài ra, gia đình tôi cũng tăng gia, sản xuất như: trồng lúa Séng Cù, nuôi trâu, nuôi ngựa và các mặt hàng nông sản khác". 

Cơ sở chiết xuất tinh dầu của anh Vàng Văn Sưởng đã tạo việc làm nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.

Thúc đẩy phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, giảm nghèo bền vững, huyện Bát Xát đã có nhiều giải pháp phát triển kinh tế, kết nối doanh nghiệp và ứng dụng một phần công nghệ cao vào sản xuất. Chú trọng đào tạo nghề, nâng cao trình độ cho nông dân, giới thiệu việc làm... Kết quả, năm 2022, Bát Xát đã giảm được gần 8,3% số hộ nghèo. Ông Lê Đức Minh, Phó Trưởng Phòng Lao động - Thương binh & Xã hội huyện Bát Xát cho biết: "Chúng tôi tiếp tục đẩy nhanh tiến độ mở các phiên giao dịch, ngày hội việc làm tại các địa phương. Đây là cơ hội cho người lao động được tiếp xúc với các cơ sở tuyển dụng, cũng như các công ty, doanh nghiệp trên cả nước; tạo điều kiện thuận lợi nhất để người lao động địa phương có việc làm ổn định". 

Huyện Bát Xát đang tập trung phát triển các vùng sản xuất, chuyển từ nhỏ lẻ sang quy mô lớn để tạo ra các sản phẩm hàng hóa. Hướng đi này đã và đang mở ra cơ hội để đồng bào các dân tộc phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững, hướng tới làm giàu chính đáng./.

Ngọc Minh 


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết