Niềm vui từ những đồi chè cổ thụ

18:18 10-09-2021 | :1114

Laocaitv.vn - Ở vùng cao Tả Thàng, huyện Mường Khương, bà con người Mông vẫn còn giữ được những đồi chè shan cổ thụ, được cho là đã hàng trăm năm tuổi. Những gốc chè cổ kính, rêu phong đã tạo điểm nhấn đặc sắc cho bản làng vùng cao quanh năm mây phủ. Và giờ đây từ những nương chè ấy, còn mang đến cho bà con niềm vui, niềm hy vọng vào việc xóa đói, giảm nghèo từ khai thác sản phẩm chè cổ thụ thành hàng hóa đặc sản của địa phương.

Anh Thào Sinh thu hoạch chè cổ thụ.

Những ngày này, lứa chè cổ thụ đang trổ búp, các thành viên trong gia đình anh Thào Sinh, thôn Sú Dí Phìn, xã Tả Thàng, huyện Mường Khương dành phần lớn thời gian để thu hoạch chè. Khác với cách thu hái chè thông thường, để thu chè cổ thụ, phải bỏ công trèo lên những tán chè cao tới vài mét, lựa thu hoạch từng búp chè non. Vất vả, kì công là thế, nhưng anh Sinh vẫn vui, bởi hơn 100 gốc chè này sẽ mang lại cho gia đình anh một nguồn thu tương đối tốt. Anh Thào Sinh chia sẻ: "Trước kia chè có 500 đồng/kg nên cũng không chăm bón gì cả, bây giờ giá đắt hơn, cũng quan tâm chăm sóc, phát cỏ, dày quá thì phải đốn thôi".

Việc tiêu thụ búp chè ở Tả Thàng bây giờ cũng thuận tiện hơn rất nhiều, vì đầu năm nay xưởng chế biến chè đã được xây dựng ngay tại xã. Sẵn sàng bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho bà con, cũng như hỗ trợ người dân về kĩ thuật chăm sóc chè. Ông Phan Quốc Tuấn, xưởng sản xuất chè Tiên Thiên, xã Tả Thàng, huyện Mường Khương cho biết: "Về sau này nếu huyện có phát triển mở rộng thêm vùng nguyên liệu thì công ty cũng sẵn sàng mở rộng nhà máy để đáp ứng nhu cầu".

Sản phẩm chè của bà con sẽ được bao tiêu khi xưởng chế biến chè đi vào hoạt động.

Hiện trên địa bàn xã Tả Thàng có khoảng 15 ha chè cổ thụ. Diện tích tập trung nhất là ở khu vực thôn Sú Dí Phìn. Hơn 40 hộ dân của thôn, hầu như nhà nào cũng sở hữu ít nhiều cây chè. Việc quan tâm phát triển vùng chè, trong đó có chè cổ thụ gắn với chế biến được kì vọng sẽ nâng cao thu nhập, cải thiện đáng kể cuộc sống của Nhân dân. Ông Thào Páo Dình, Chủ tịch UBND xã Tả Thàng, huyện Mường Khương cho biết: "Quan tâm nhất là sự vào cuộc của người dân thôi. Còn cơ chế thì đã có, mong muốn người dân thay đổi nhận thức để hiểu được cây chè sẽ là cây xóa đói, giảm nghèo bền vững".

Những cây chè cổ thụ đã bám trụ bao năm với bản làng vùng cao, chắt chiu nguồn dinh dưỡng đại ngàn để tạo ra những búp chè ngon hảo hạng. Và hôm nay, người Mông ở Sú Dí Phìn gửi niềm tin vào những tán chè xanh tươi giữa rừng núi điệp trùng, nuôi dưỡng khát vọng thoát nghèo từ “báu vật” của non cao.

Bài, ảnh: Thu Hường – Xuân Anh


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết