Laocaitv.vn - Trong năm 2021, huyện Si Ma Cai phấn đấu mở rộng diện tích cây dược liệu đạt trên 100 ha. Huyện cũng xác định sẽ đầu tư vào việc sơ chế để nâng cao giá trị các loại cây dược liệu. Tiến tới trồng cây dược liệu ứng dụng công nghệ cao, tập trung tại các xã Sín Chéng, Lùng Thẩn, Cán Cấu, Quan Hồ Thẩn và Nàn Sín.
Để ngành Nông nghiệp có những bước phát triển bền vững, huyện Si Ma Cai đã tập trung khai thác các tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, từng địa phương và hiệu quả các nguồn vốn đầu tư của Nhà nước. Cây dược liệu hiện đang được huyện Si Ma Cai coi là cây trồng mũi nhọn để chuyển đổi cơ cấu cây trồng đem lại giá trị kinh tế cao cho người dân.
Các cơ chế và chính sách hỗ trợ cho người dân cũng được huyện Si Ma Cai vận dụng khéo léo từ các văn bản chỉ đạo, cơ chế chính sách của tỉnh, Trung ương đã ban hành. Để giúp người dân có nhiều cơ hội hơn trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, khi các hộ dân tham gia trồng cây dược liệu sẽ được hỗ trợ về giống, phân bón, được tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc... Bên cạnh đó, huyện còn chú trọng trong việc hỗ trợ người dân vay vốn đầu tư sản xuất, tiến hành liên kết với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất để tiêu thụ sản phẩm cho người nông dân. Với nhiều cách làm sáng tạo đã góp phần cho diện tích cây dược liệu tăng nhanh. Đồng thời việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật cũng giúp cho cây dược liệu có chất lượng cao hơn, vì vậy giá trị sản phẩm cũng được nâng lên. Cho đến thời điểm này, người dân các xã của huyện Si Ma Cai đã được hỗ trợ khoảng trên 10 tỷ đồng cho việc phát triển cây dược liệu.
Huyện Si Ma Cai đang triển khai nhiều chính sách hỗ trợ phát triển cây dược liệu.
Năm nay là năm đầu tiên gia đình anh Sùng Seo Sở, thôn Lử Thẩn, xã Lùng Thẩn tham gia trồng cây dược liệu, nhờ được tập huấn về kỹ thuật trồng và chăm sóc nên hơn 1 ha cây đương quy của gia đình anh đang sinh trưởng và phát triển tốt, hứa hẹn cho năng suất, sản lượng cao. Anh Sở cho biết, năm nay gia đình anh dự tính sẽ có thu nhập cao nhờ diện tích đương quy này, sang năm sẽ mở rộng diện tích, trồng thêm một số loại dược liệu khác và tiến tới sẽ chuyển đổi tất cả các diện tích đất đang trồng ngô sang trồng dược liệu.
Thực tế cho thấy, tuy đã có nhiều chuyển biến tích cực, song diện tích cây dược liệu trên địa bàn huyện Si Ma Cai vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương. Có một thực tế chung với ngành Nông nghiệp đó là đầu ra của sản phẩm, nếu người dân mở rộng diện tích để sản xuất thành những vùng nguyên liệu lớn sẽ gặp không ít khó khăn khi tiêu thụ. Sự liên kết lợi ích giữa người nông dân với các doanh nghiệp vẫn cần có lời giải.
Trong thời gian tới, huyện Si Ma Cai sẽ tiếp tục nỗ lực tìm giải pháp để có sự liên kết giữa nhà nông với các doanh nghiệp trong hợp tác sản xuất và bao tiêu sản phẩm, phấn đấu 100% sản lượng cây dược liệu được tổ chức sản xuất theo chuỗi khép kín từ quản lý sản xuất đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm, từng bước tạo đầu ra ổn định trên thị trường. Tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển cây dược liệu, thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp, hợp tác xã sơ chế các sản phẩm, nâng cao giá trị. Từ đó người dân sẽ mạnh dạn đầu tư, thâm canh, mở rộng diện tích. Xây dựng cơ chế chính sách lồng ghép nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, của doanh nghiệp, hợp tác xã trong việc đào tạo, tập huấn cho người dân về sản xuất, thu hái, bảo quản và chế biến dược liệu an toàn.
Bài, ảnh: Thanh Nhàn
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết