Phát triển kinh tế từ nghề may trang phục truyền thống

17:57 02-10-2020 | :1162

Laocaitv.vn - Nhờ biết khai thác những giá trị của nghề truyền thống, nhiều phụ nữ ở xã Sán Chải, huyện Si Ma Cai đã có thêm nguồn thu nhập. Trong đó, nghề may trang phục truyền thống không chỉ giúp chị em có công việc ổn định, nguồn thu nhập khá mà còn góp phần giữ gìn được nét đẹp văn hóa của dân tộc mình.

Là người đầu tiên đưa nghề may trang phục truyền thống về thôn Lao Chải, xã Sán Chải, đến nay, chị Sùng Thị Chấu đã có hơn 16 năm gắn bó với công việc này. Theo chị Chấu, để may được một bộ trang phục phụ nữ Mông mất khá nhiều thời gian và công sức, bởi một sản phẩm hoàn chỉnh không chỉ dừng ở yếu tố vừa vặn, tôn được vóc dáng người mặc mà còn phải có sự sáng tạo để vừa bắt kịp xu hướng của giới trẻ mà vẫn giữ được nét đẹp, bản sắc vốn có trong trang phục truyền thống của dân tộc.

Chị Sùng Thị Chấu (bìa phải) đã có hơn 16 năm gắn bó với nghề may trang phục truyền thống của dân tộc mình.

Thông thường, một bộ trang phục váy dài, cắt may cầu kỳ nhiều họa tiết và có thêu đính hạt, chị Chấu phải mất ít nhất 3 ngày để hoàn thiện, còn với chiếc váy ngắn đơn giản thì sẽ mất 2 ngày; những trang phục mặc trong sinh hoạt hàng ngày, 1 ngày chị có thể may được từ 3 – 5 bộ. Mỗi bộ váy dài có giá từ 1,8 – 2 triệu đồng, những bộ trang phục cho cô dâu sẽ có giá từ 2,5 – 3 triệu đồng. Bình quân một năm từ nghề may trang phục truyền thống đem lại cho gia đình chị Chấu thu nhập hàng trăm triệu đồng. "Để may được một bộ trang phục cầu kỳ cũng mất khá nhiều thời gian, bởi vừa may vừa phải suy nghĩ, sáng tạo kiểu cách để làm sao cho bộ trang phục đẹp nhất", chị Chấu chia sẻ.

Từ hiệu quả kinh tế gia đình, chị Sùng Thị Chấu đã vận động và hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm cho gần chục chị em phụ nữ trong thôn cùng tham gia thực hiện, phát triển nghề may trang phục truyền thống.

Hiện, sản phẩm của các chị đã có mặt ở các phiên chợ trong huyện như chợ Sín Chéng, chợ Cán Cấu, chợ Lùng Phình và cả ở chợ Sín Mần (Hà Giang), mang lại nguồn thu nhập ổn định ngay tại địa phương mà không phải đi làm thuê xa.

Chị Chấu hướng dẫn cho chị em trong thôn may trang phục truyền thống.

Kinh tế phát triển hơn từ nghề may trang phục truyền thống, thế nhưng để gìn giữ và nhân rộng phát triển mô hình, chị em phụ nữ thôn Lao Chải mong muốn sẽ thành lập được nhóm cùng sở thích. Chính quyền xã, Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp cũng đã tạo điều kiện cho chị em được tham gia các lớp tập huấn, tham quan học hỏi để xây dựng mục tiêu, chiến lược kinh doanh, từ đó phát triển nghề một cách bền vững.

Khi các bản sắc văn hóa đang ngày càng mai một thì việc nhân rộng và phát triển các mô hình kinh tế từ việc khai thác bản sắc văn hóa truyền thống bản địa như ở Sán Chải, huyện Si Ma Cai là rất cần thiết. Bởi hiệu quả của mô hình này không chỉ khẳng định vai trò, vị thế của người phụ nữ trong gia đình mà còn góp phần bảo tồn, lưu giữ nét đẹp trong văn hóa truyền thống của dân tộc.

Vân Anh - Ngọc Dương


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết