Tâm huyết gìn giữ nghề truyền thống của dân tộc Tày

08:00 18-07-2020 | :1787

Laocaitv.vn - Với mong muốn gìn giữ, phát triển nghề nấu cao gắm truyền thống của dân tộc Tày, chị Hoàng Thị Dung ở thôn Liêm, xã Liêm Phú, huyện Văn Bàn đã tập hợp chị em phụ nữ thành lập mô hình Tổ liên kết sản xuất cao gắm. Hiện, sản phẩm của hợp tác xã không chỉ có mặt ở thị trường Lào Cai mà còn được tiêu thụ tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước, góp phần không nhỏ giúp hội viên phụ nữ địa phương nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo.

Chị Hoàng Thị Dung (trái ảnh) cùng các thành viên trong tổ liên kết thực hiện sơ chế cao gắm.

Được ông bà, cha mẹ truyền lại nghề nấu cao truyền thống của người Tày, nhưng trước đây sản phẩm chủ yếu sử dụng trong gia đình và làm quà tặng cho người thân. Sau này, khi nghiên cứu, tìm hiểu về nhiều công dụng của cây gắm trong hỗ trợ điều trị các loại bệnh nên chị Hoàng Thị Dung đã đưa loại cây này vào sản xuất thành sản phẩm cao riêng. Mỗi tháng, gia đình chị Dung nấu và cung cấp ra thị trường khoảng 5 - 6 kg cao gắm, với giá trung bình 100.000 đồng/lạng thì việc nấu cao gắm đã giúp gia đình chị Dung nâng cao thu nhập, cải thiện kinh tế.

Nhiều hội viên phụ nữ xã Liêm Phú có việc làm và thu nhập ổn định khi tham gia Tổ liên kết sản xuất cao gắm.

Từ hiệu quả mô hình, năm 2018, chị Hoàng Thị Dung mạnh dạn đứng lên thành lập Tổ liên kết sản xuất cao gắm, xã Liêm Phú và tập hợp chị em cùng tham gia. Từ 12 thành viên ở thời điểm ban đầu, đến nay, hợp tác xã đã phát triển lên 21 hội viên. Tham gia Tổ liên kết sản xuất cao gắm, chị em phụ nữ không chỉ được hỗ trợ về kinh nghiệm trong phát triển sản xuất mà còn giúp đỡ nhau về nguồn nguyên liệu, tiêu thụ sản phẩm, qua đó, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho mỗi hội viên từ 3 - 3,5 triệu đồng/tháng.

Việc sản xuất cao gắm được thực hiện qua nhiều công đoạn.

Hiện nay, việc sản xuất cao gắm phụ thuộc hoàn toàn vào nguyên liệu là cây gắm mọc tự nhiên ở trong rừng. Với vai trò của mình, chị Hoàng Thị Dung đã tuyên truyền, hướng dẫn chị em không được khai thác tận diệt, khai thác phải đi đôi với tái tạo nguồn nguyên liệu nhằm cung cấp đủ nguồn nguyên liệu cho quá trình chế biến. Cùng với đó, tổ liên kết cũng đang nỗ lực mở rộng sản xuất, phát triển lên hợp tác xã nhằm xây dựng thương hiệu, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm.

Cùng với tâm huyết giữ gìn và phát triển nghề truyền thống, chị Hoàng Thị Dung còn có nhiều đóng góp trong phong trào phụ nữ, xây dựng gia đình bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, là nhân tố điển hình trong xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Vân Anh - Ngọc Dương


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết