Sản xuất thảo dược ở Phú Nhuận

10:03 23-07-2024 | :53

 

Laocaitv.vn - Thời gian gần đây, tại các địa phương đã xuất hiện thêm các cơ sở chế biến dược liệu do người dân làm chủ. Dù quy mô hoạt động còn chưa lớn, nhưng các cơ sở này đang góp phần tích cực nâng cao giá trị kinh tế cây dược liệu, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho nhiều lao động địa phương. Cơ sở sản xuất thảo dược tại xã Phú Nhuận, huyện Bảo Thắng trong phóng sự sau là một trong những điển hình như thế.

Tại cơ sở sản xuất dược liệu này, các loại thảo dược truyền thống như: tía tô, sả, quế... được chị em người dân tộc thiểu số chế biến từ dạng thô sang dạng tinh, phục vụ việc chăm sóc sức khỏe và làm đẹp. Mô hình này xuất phát từ ý tưởng của chị Nhài, người từng có nhiều năm gắn bó với nghề giáo.

Tại cơ sở sản xuất dược liệu này, các loại thảo dược truyền thống như: tía tô, sả, quế... được chị em người dân tộc thiểu số chế biến từ dạng thô sang dạng tinh

Chị Nguyễn Thị Thu Nhài, Chủ cơ sở sản xuất Mộc Ân, xã Phú Nhuận, huyện Bảo Thắng nói: “Ở Lào Cai có nhiều đồng bào dân tộc cùng sinh sống. Người Dao, người Tày có rất nhiều bài thuốc quý đã được lưu truyền từ lâu đời và có công dụng rất tốt. Trên cơ sở muốn phát triển, bảo tồn cây thuốc nam, cũng như là duy trì những bài thuốc dân gian quý của bà con dân tộc ở địa phương, thì cơ sở sản xuất Mộc Ân đã phát triển sản xuất ra một số dòng sản phẩm”.

Chị Lương Thị Bích Vời, xã Võ Lao, huyện Văn Bàn chia sẻ: “Nhà em rất mong muốn đồng hành với nhà chị Nhài và phát triển dòng sản phẩm của quê hương mình. Nhà em tham gia vào các quy trình sản xuất và quá trình giới thiệu về sản phẩm của cơ sở Mộc Ân, nên là thu nhập cũng ổn định hơn, có công việc làm ở gần nhà, không phải đi xa nữa”.

Cơ sở sản xuất thảo dược Mộc Ân được chị Nhài tâm huyết gây dựng từ năm 2016 nhưng đến năm 2023 mới thành hiện thực. Hiện, cơ sở đã chiết xuất thành công một số dòng sản phẩm dạng cao như: thải độc gan, tía tô mật ong, mặt nạ tía tô và dầu gội, dầu xả từ hương liệu tự nhiên (ảnh trên)...

Chị Trịnh Thị Thủy, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Nhuận, huyện Bảo Thắng cho biết: “Đây là một trong những hộ gia đình đã có tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng hàng hóa với 1 chuỗi liên kết sản phẩm. Những mô hình như thế này giúp bà con nông dân có thu nhập thêm và sẽ lan tỏa ra trên diện rộng, như trồng những cây nông nghiệp”.

Những mô hình như thế này giúp cho bà con nông dân có thu nhập thêm, nhất là chị em người dân tộc thiểu số.

Để phát triển bền vững, cơ sở sản xuất Mộc Ân và chính quyền địa phương đang hướng tới mở rộng vùng trồng nguyên liệu, thành lập hợp tác xã sản xuất để thu hút nguồn lực đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại để đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ. Qua đó, góp phần tạo việc làm, gia tăng thu nhập cho người dân, nhất là chị em người dân tộc thiểu số. 

Ngọc Minh


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết