Tả Phìn mùa “cửu nguyệt phân lan”

12:45 16-10-2018 | :1028

Laocaitv.vn - Nằm ở độ cao 1.200 m so với mực nước biển, xã Tả Phìn nổi tiếng không chỉ bởi những địa danh như động Tả Phìn, tu viện cổ từ thời Pháp hay các bài thuốc và dịch vụ tắm lá thảo dược của người Dao đỏ, mà còn được biết đến như thủ phủ địa lan của huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai.

Người dân xã Tả Phìn chăm sóc địa lan.

Nếu tới Sa Pa mà chưa đến Tả Phìn coi như chưa khám phá hết Sa Pa. Nghe có vẻ hơi quá, nhưng nếu không đến đây, làm sao khách du lịch có thể khám phá tu viện cổ nằm khuất giữa những thân cây khẳng khiu, bị bỏ hoang giữa điệp trùng mây núi, được chiêm ngưỡng vẻ trầm mặc, cổ kính mang đậm kiến trúc Pháp của dãy nhà tu viện đổ nát được xây dựng cùng năm với nhà thờ đá Sa Pa cho 12 vị tu sĩ. Chụp ảnh bên bức tường đá ong ở tu viện sẽ khiến nhiều người liên tưởng đến khung cảnh hoang sơ trong những câu chuyện cổ phương Tây. Và hơn hết, Tả Phìn quyến rũ du khách bởi nơi đây được xem là thủ phủ địa lan Trần Mộng của huyện Sa Pa, là nơi mà Tết chưa đến, xuân chưa về, từng dòng người đã nườm nượp tìm đến và bốc lên xe tải những chậu địa lan trĩu trịt hoa, lá dài, tán rộng người ôm không xuể rồi tỏa đi các tỉnh, thành phố ở khắp khu vực phía bắc.

Theo gợi ý của người lái xe, tôi cũng muốn tới Tả Phìn vào thời điểm này trong năm, thời điểm được gọi là “cửu nguyệt phân lan”, để xem ở đây, họ chăm sóc, chuẩn bị cho những chậu lan sẽ được đưa ra thị trường dịp Tết Nguyên đán như thế nào. Từ thị trấn Sa Pa xuống xã Tả Phìn chỉ có con đường nhỏ, dài khoảng 12 km, chỉ đủ cho hai xe ô tô tránh nhau, nhiều đoạn gập ghềnh, uốn lượn với ổ gà, ổ trâu được hình thành sau những đợt mưa lũ, sạt lở trong năm nay. Mặc dù người lái xe khá vất vả khi phải sang số, đánh tay lái liên tục để tránh hố sâu hay vào cua gấp, nhưng anh cũng kịp chỉ cho tôi thấy những vườn lan bạt ngàn, xanh mướt trên các đỉnh đồi hay những chiếc xe máy đi ngược chiều đang hối hả chở các chậu lan tới những vựa lan lớn để ghép.

Càng đi sâu vào trong, những vườn lan xuất hiện càng nhiều và cuốn hút khiến tôi như bị mê hoặc mà không để ý tới các cô bé người Dao đỏ đang bám sát theo sau chào mời mua hàng thổ cẩm. Và rồi cứ thế, theo từng bước chân, tôi đã lạc vào một vườn lan rất rộng.

Dò hỏi thì được biết, chủ vườn lan rộng lớn này là anh Lê Lệnh Thương, một người Thanh Hóa, lên Sa Pa lập nghiệp từ năm 2003. Tính ra, 15 năm ở Tả Phìn thì đã có tới 14 năm anh gắn bó với nghề trồng địa lan.

Theo anh Thương, tên đầy đủ của loại lan này là địa lan Kiếm Trần Mộng, thuộc một chi trong họ lan. Lan Kiếm có những loài bám trên cây gọi là phong lan Kiếm và có loài mọc dưới đất, được gọi là địa lan Kiếm. Loại anh trồng là địa lan Kiếm Trần Mộng. Tương truyền, vào thế kỷ XIII vua Trần Anh Tông một đêm nằm mộng thấy được xem một loài địa lan lạ, hoa mầu đỏ hồng, rất đẹp và rất thơm. Khi tỉnh giấc, nhà vua ngẩn ngơ, bần thần. Kỳ lạ thay, ngay hôm sau, có người mang tiến vua một chậu lan như trong giấc mộng và đây là lý do giải thích tại sao loài lan quý được mang tên địa lan Trần Mộng, tức giấc mộng của vua Trần.

Anh Thương cho biết, vườn lan của anh hiện có 1.500 chậu, chưa kể 700 gốc lan giống, chiếm thị phần đáng kể trong số lượng khoảng 10 nghìn chậu lan mà xã Tả Phìn cung cấp cho Sa Pa trong dịp Tết Nguyên đán. Tuy vậy, nếu tính số cây chất lượng không tốt khoảng 30% thì con số 7.000 chậu đưa ra các tỉnh, thành phố ở miền bắc là quá nhỏ. Vì thế, ngoài việc bảo tồn và nhân rộng cây giống, anh Thương phải lặn lội tìm mua cây giống từ những người dân tộc thiểu số tới những người dân trồng lan giống trong vùng hoặc quanh vùng. Ðược biết, ở Tả Phìn nhà nào cũng trồng lan nhưng chỉ ở quy mô nhỏ và trồng lan giống. Tới gần giai đoạn phải ghép cây, hoặc họ để chăm sóc, hoặc sẽ bán lan cho các nhà vườn lớn như anh Thương, những người có kinh nghiệm trồng và ghép lan, để làm ra những cây lan to, tán rộng, đẹp đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe của những người chơi lan kỹ tính.

Trồng lan đã 14 năm nhưng anh Thương cho biết, chỉ 10 năm gần đây, địa lan Trần Mộng của Tả Phìn mới được thị trường đón nhận rộng rãi. So với địa lan Ðà Lạt, một nơi cũng rất thích hợp trồng loại lan này, thì địa lan Tả Phìn có tán rộng và lá dài hơn vì nhờ có khí hậu ôn hòa hơn. Dễ thấy là lá lan ở Tả Phìn hẹp bản, rất dài, thậm chí bằng cả sải tay người. Ba cánh đài của hoa xòe rộng, hai cánh hoa hơi úp lại, che phía trên của nhụy hoa với cánh môi thường cong, điểm sắc mầu. Cành hoa thẳng từ dưới lên. Ðịa lan của Tả Phìn có ba mầu: vàng chanh, xanh ngọc và tím hồng nhạt. Riêng xanh lam ngọc được người chơi lan ưa chuộng hơn cả. Ðáng chú ý, hoa lan Tả Phìn nở khá bền (từ 60 đến 75 ngày mới tàn), với chùm hoa như những ánh sao rơi, giúp liên tưởng tới nhiều điều tốt đẹp khởi đầu năm mới,... và có mùi hương thơm ngọt sâu thẳm, dịu nhẹ.

Tuy nhiên, để ra được một chậu lan đẹp, chất lượng tốt không dễ dàng bởi người trồng lan ngoài việc nắm rõ kỹ thuật chăm sóc còn phải am hiểu thời tiết. Và thời tiết thì luôn thử thách sự kiên nhẫn của những người như anh Thương. Chẳng thế mà năm 2014, anh gần như trắng tay vì xem thường thời tiết. Năm đó, một nửa số chậu lan xấu, chất lượng kém được anh để lại tại vườn, một nửa được anh mang xuống xã Cốc San nằm cách TP Lào Cai khoảng 7 km. Khí hậu Cốc San trong lành, mát mẻ là thế nhưng năm 2013, do không dự liệu được thời tiết nắng nóng bất thường cho nên toàn bộ số địa lan anh Thương chuyển tới bị hỏng hết. Trong khi đó ở Tả Phìn, số lan còn lại gặp thời tiết giá rét cũng hỏng lá, không ra hoa. Tính ra, anh đã mất khoảng 600 đến 700 triệu đồng cho vụ lan năm đấy. Có thể nói, địa lan Tả Phìn không khác gì một cô gái đẹp nhưng cũng rất đỏng đảnh và khó chiều. Tả Phìn “nắng tháng tám rám trái bưởi”, nếu không che chắn cẩn thận, chăm sóc kỹ lưỡng từng gốc lan thì cây sẽ ủ rũ, héo vàng. Hay vào những ngày mùa đông giá lạnh, tuyết rơi nếu không di chuyển lan tránh rét kịp thời thì người trồng lan lại trở nên tay trắng.

Không chịu lùi bước, anh Thương vay mượn tiền để gây dựng lại vườn giống. Trong bốn năm qua, bên cạnh việc gây giống, anh còn tìm mua những cây giống chất lượng tốt từ các hộ đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo một số người trồng lan lâu năm ở Tả Phìn, trồng địa lan phải tuân thủ hai nguyên tắc là dinh dưỡng và liều lượng, đồng thời bị chi phối bởi tám yếu tố gồm: Giống, bón phân, nước tưới và độ ẩm, thoáng gió, ánh sáng, nhiệt độ, giá thể trồng, phòng trị bệnh. Tuy nhiên, đối với anh, giai đoạn khó nhất vẫn là khi trồng lại cây do hoa đã tàn và chiết nhánh.

Giai đoạn trồng thường vào mùa xuân. Ðây là thời điểm tách nhánh cây địa lan thích hợp nhất do ở mùa này, cây cối đâm chồi nảy lộc, tỷ lệ cây tách nhánh sống sót khá cao. Mặc dù vậy, dân gian vẫn có câu “cửu nguyệt phân lan”, nghĩa là tháng 9 âm lịch là thời điểm tách nhánh địa lan phù hợp nhất. Vào thời điểm này, mầm mới của cây địa lan đã phát triển hoàn thiện, củ địa lan đã hình thành, lá đã phân chia đầy đủ và tích lũy dinh dưỡng chuẩn bị cho hoa. Cây bắt đầu vào mùa nghỉ. Một lợi điểm nữa của việc tách nhánh lan vào tháng 9 âm lịch, đó là, tách nhánh vào lúc này, tỷ lệ ra hoa thấp, cây sẽ phát triển mầm cao hơn. Do đó, với mục đích nhân giống nhanh, người trồng có thể có củ địa lan sinh sôi nảy nở hai lần trong một năm.

Ghép lan cũng là cả một nghệ thuật và phải là người giàu kinh nghiệm mới dám ghép cây. Không phải cây lan nào cũng có thể ghép được với nhau mà để có được chậu lan to, tròn, đẹp, chuẩn, phải chọn những gốc lan lệch tán, đúng chủng loại lan, ghép đúng kỹ thuật. Ðược biết, có những chậu lan được ghép từ 50 tới 60 gốc lan, thậm chí đến gần 100 gốc lan. Những người có kinh nghiệm thì chỉ cần nhìn lá lan là biết gốc lan đó hoa mầu nào để ghép cho đúng. Nếu lá mềm, mảnh sẽ là lan vàng, nếu lá lan dài, cứng và xanh đậm sẽ là lan xanh.

Việc khác không kém phần khó khăn là đưa lan đi tránh rét. Theo kinh nghiệm thì cứ ngày 20-10 âm lịch, anh Thương sẽ đưa lan xuống xã Cốc San, thuê đất và để người trông coi, chăm sóc tại đó cho đến giáp Tết Nguyên đán. Vào thời điểm này, anh sẽ phải thuê thêm người để hỗ trợ chăm sóc cũng như vận chuyển hàng nghìn gốc lan.

Vất vả là thế, khó khăn là vậy, nhưng địa lan Trần Mộng không phụ lòng người. Trung bình mỗi năm, cây lan mang đến lợi nhuận cho anh Thương từ 500 đến 600 triệu đồng, thậm chí có năm tới 800 triệu đồng. Thêm nữa, với nhu cầu cao và thị trường hết sức tiềm năng như hiện nay, những khó khăn, vất vả đó sẽ được người trồng lan như anh khắc phục và vượt qua.

Theo Nhandan.com.vn


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết