TP Lào Cai: Di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư

09:31 02-03-2020 | :505

Laocaitv.vn - Luật Chăn nuôi được ban hành ngày 19/11/2018 và có hiệu lực từ ngày 01/01/2020, quy định về hoạt động chăn nuôi; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong hoạt động chăn nuôi; quản lý nhà nước về chăn nuôi. Trong đó, luật cũng quy định rõ, nghiêm cấm việc chăn nuôi trong thành phố, thị xã, thị trấn và khu dân cư với lộ trình thực hiện trong vòng 5 năm tới. Thực hiện quy định trên, thành phố Lào Cai đang tích cực, gấp rút triển khai việc di dời các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ, không đủ điều kiện ra khỏi các khu dân cư không được phép chăn nuôi.

Luật Chăn nuôi có hiệu lực từ ngày 01/01/2020.

Gia đình ông Phạm Tấn Trường, tổ 15, khu dân cư Điện Biên, phường Duyên Hải, từ lâu nay vẫn lấy nghề chăn nuôi lợn cộng với nấu rượu là nguồn thu chính của gia đình. Mỗi năm, gia đình ông nuôi 2 lứa, mỗi lứa trên 20 con lợn thịt. Mặc dù gia đình đã làm các bể bioga để chứa chất thải, vệ sinh môi trường chăn nuôi, thế nhưng vẫn không tránh khỏi ý kiến của các hộ dân xung quanh về sự ô nhiễm không khí. Cộng với đó, do chăn nuôi nhỏ lẻ nên công tác phòng, chống dịch bệnh cũng gặp rất nhiều khó khăn, như đợt dịch tả lợn châu Phi năm 2019 vừa qua, gia đình ông đã bị thiệt hại nặng, phải tiêu hủy toàn bộ số lợn nuôi. Ông Trường cho biết: "Cán bộ phường xuống gia đình phổ biến luật, trong đó có việc cấm chăn nuôi ở các khu dân cư đông đúc. Đã ra luật thì phải chấp hành nhưng gia đình vẫn còn băn khoăn, vì không chăn nuôi lợn, thì không biết làm gì. Bây giờ tuổi tôi cũng cao, phải bám vào nghề chăn nuôi nhỏ lẻ này thôi, làm sao tránh ô nhiễm mỗi trường thôi".

Theo thống kê của phường Duyên Hải, hiện địa phương có 18 hộ cần phải di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư. Hiện chính quyền phường đang tích cực tuyên truyền, vận động các hộ dân chấp hành chủ trương, pháp luật của nhà nước, đặc biệt là khi luật chăn nuôi có hiệu lực từ đầu năm nay. Theo chính quyền phường, luật đã ra thì phải chấp hành, tuy nhiên, để đưa luật vào cuộc sống, đặc biệt là phù hợp với tình hình chung đời sống của nhân dân, địa phương đang gặp một số khó khăn nhất định. Với địa bàn rộng, đặc biệt là các hộ dân cư nằm dọc đường Điện Biên đa phần làm nghề tự do, việc sản xuất chăn nuôi gần như là nguồn thu nhập chính, nếu phải di dời, theo nguyện vọng của các hộ dân thì phải có một khu chăn nuôi tập trung. Tuy nhiên, quỹ đất của phường hiện đang còn rất ít, mà nhu cầu thành lập khu vực chăn nuôi tập trung khá lớn, nên cần phải có thời gian để xin ý kiến các cấp, ngành. 

Cốc Lếu là phường trung tâm của thành phố Lào Cai, tập trung đông dân cư sinh sống và làm việc, tuy vậy, trên địa bàn phường có 3 hộ đang chăn nuôi với số lượng tương đối lớn từ nhiều năm nay đã làm ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường và chất lượng sống của nhiều hộ dân xung quanh. Tại nhiều buổi đối thoại, tiếp xúc, vấn đề này luôn được người dân ở đây nêu lên với nhiều ý kiến bức xúc, đề nghị phường có phương hướng để giải quyết dứt điểm vấn đề này. Xác định việc đảm bảo vệ sinh môi trường, xây dựng đô thị văn minh, hiện đại là nhiệm vụ quan trọng, chính quyền phường đã tổ chức tuyên truyền Luật Chăn nuôi, đặc biệt là các chế tài xử lý hành vi vi phạm để nhận được sự đồng tình, ủng hộ của các hộ dân. Đến nay, trên địa bàn đã không còn hộ chăn nuôi trong khu vực dân cư. Ông Đặng Thanh Hương, Chủ tịch UBND phường Cốc Lếu cho biết: "Phường đã vận động các hộ không chăn nuôi nữa, phường cũng đã giao cho Hội Nông dân tuyên truyền, tạo công ăn việc làm khác để bà con có thêm thu nhập ổn định sau khi không chăn nuôi nữa".

Luật Chăn nuôi được ban hành đã tạo khung pháp lý cho ngành chăn nuôi. Luật có nhiều nội dung mới đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh trong nước và hội nhập quốc tế. Đáng chú ý là trong thời hạn 5 năm kể từ ngày Luật Chăn nuôi có hiệu lực thi hành (ngày 01/01/2020), phải ngừng hoạt động hoặc di dời các cơ sở chăn nuôi đến địa điểm phù hợp. Trên địa bàn tỉnh, thành phố Lào Cai chính là địa phương gặp nhiều khó khăn nhất trong việc thực hiện quy định này. Theo thống kê của Phòng kinh tế thành phố, qua rà soát, toàn thành phố có 143 hộ chăn nuôi trong khu dân cư. Hiện nay, ngoài việc tăng cường công tác tuyên truyền đến các hộ dân, phòng cũng đang tham mưu với UBND thành phố, các cấp, ngành chức năng có những hỗ trợ đối với người chăn nuôi bị ảnh hưởng, đặc biệt là việc chuyển đổi sang các ngành nghề khác phù hợp hơn. 

Với đặc thù là tỉnh vùng cao, nhiều hộ dân sống trong các thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư đông đúc nhưng vẫn tham gia sản xuất nông nghiệp, tuy nhiên ngày 01/01/2020 Luật Chăn nuôi có hiệu lực, song vẫn chưa thể thực thi ngay do cần các cơ quan chức năng ban hành các văn bản hướng dẫn. Với lộ trình di dời là 5 năm, các hộ chăn nuôi sẽ có thời gian để chăm sóc, bán hết vật nuôi, sau đó, sẽ chuyển đổi ngành nghề phù hợp với định hướng phát triển đô thị văn minh, hiện đại, có chất lượng môi trường sống tốt, không gây ô nhiễm môi trường./.

Thế Long


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết