Văn Bàn đảm bảo sinh kế người dân gắn với bảo vệ rừng

15:07 15-02-2022 | :428

Laocaitv.vn - Đảm bảo sinh kế cho người dân, góp phần bảo vệ, phát triển rừng bền vững. Đó một trong những giải pháp quan trọng để làm tốt chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Tại huyện Văn Bàn, sinh kế của người dân và sự bền vững của rừng cùng được đảm bảo nhờ làm tốt công tác quản lý.

Măng vầu là một sản phẩm đặc hữu của rừng Văn Bàn. 

Anh Thào A Páo cùng nhiều hộ khác thôn Khe Păn, xã Nậm Tha có thêm nguồn thu từ khai thác măng vầu, sản phẩm đặc hữu của rừng Văn Bàn. Để có nguồn thu bền vững lâu dài, người lấy măng luôn tuân thủ theo hướng dẫn của tổ quản lý bảo vệ rừng. Anh Thào A Páo, thôn Khe Păn, xã Nậm Tha huyện Văn Bàn nói: "Đi vào rừng qua chốt bảo vệ có các anh tư vấn đào như thế nào, vào rừng thấy cây nào đào cây ấy thôi còn cây cối vẫn giữ để đấy. Chỗ nào có măng cây nào cảm thấy lấy được thì mình lấy thôi. Cây nào không lấy được thì mình để lại mọc lại, phải có cây con thì sang năm mới có măng để lấy".

Cán bộ Kiểm lâm hướng dẫn người dân để đảm bảo khai thác mang tính bền vững, khai thác không tận thu, tận diệt. 

Trên địa bàn huyện Văn Bàn, ước tính mỗi vụ măng vầu có khoảng 1.500 hộ tham gia khai thác với tổng sản lượng lên tới 2.000 tấn, mang lại nguồn thu tới 15 tỷ đồng. Để khai thác măng vầu bền vững, không xâm hại đến rừng, Hạt Kiểm lâm huyện cũng đã tham mưu cho UBND huyện xây dựng phương án khai thác măng, ấn định thời gian khai thác trong mỗi vụ. Hạt cũng chỉ đạo các chủ rừng lập hồ sơ quản lý các hộ tham gia khai thác. Ông Trần Mạnh Tưởng, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Văn Bàn cho biết: "Trước khi người dân khai thác chúng tôi cũng hướng dẫn người dân để đảm bảo khai thác mang tính bền vững, khai thác không tận thu, tận diệt. Khai thác có tái tạo lại rừng để năm sau tiếp tục có sản phẩm để thu hái".

Để nâng cao giá trị sản phẩm cây măng vầu, huyện cũng liên kết với doanh nghiệp thu mua, chế biến và tiêu thụ. Bên cạnh đó huyện cũng chú trọng phát triển các loại cây lâm sản ngoài gỗ như thực hiện một số dự án phát triển cây bồ đề lấy nhựa sản xuất cánh kiến trắng, mang lại hiệu quả gấp 2 lần so với bồ đề lấy gỗ; phát triển cây gừng dưới tán rừng Màng Tang lấy dầu… cùng một số mô hình khác liên quan đến lâm sản ngoài gỗ nhằm đa dạng hóa nguồn thu từ rừng không phụ thuộc vào khai thác gỗ.

Thế Văn    


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết