Laocaitv.vn - Lào Cai với đặc thù là tỉnh vùng cao biên giới, nhiều đồng bào dân tộc sinh sống, thì lâm nghiệp có ý nghĩa rất quan trọng, vừa đóng góp vào tổng sản phẩm nội tỉnh, vừa góp phần bảo đảm an sinh, nhất là ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, nơi tập trung sinh sống của các hộ nghèo, cận nghèo. Về môi trường sinh thái, lâm nghiệp đóng vai trò quan trọng trong bảo vệ nguồn nước đầu nguồn, điều hòa khí hậu và hệ sinh thái. Bên cạnh đó lâm nghiệp còn đóng vai trò đặc biệt trong bảo đảm quốc phòng an ninh. Cũng chính bởi vậy mà sau gần 30 năm kể từ ngày tái lập tỉnh, trong mọi giai đoạn phát triển, Lào Cai luôn chú trọng ban hành nhiều cơ chế chính sách đẩy mạnh phát triển lâm nghiệp ngày càng bền vững.
02 năm trở lại đây giá quế khá tốt và ổn định, đời sống của bà con trồng quế ngày càng được nâng cao.
Đồng thuận với chủ trương phủ xanh đất trống đồi núi trọc của tỉnh, ngay từ năm 1993, anh Khổng Văn Thanh ở thị trấn Phong Hải, huyện Bảo Thắng đã chủ động đăng ký trồng 3.000 cây quế. Đến tuổi thu hoạch giá trị kinh tế từ cây quế thấp, anh Thanh quyết định tiếp tục giữ rừng quế để phủ xanh, cũng là giải pháp hữu hiệu trong việc giữ đất, đồng thời tạo nguồn sinh thủy ổn định, đáp ứng hoạt động sản xuất nông nghiệp của gia đình. Giờ đây giá quế khá tốt và ổn định, mới thu hoạch tỉa anh Thanh và gia đình cũng đã có hơn 50 triệu đồng. Dự kiến nếu chặt bán cả đồi thì gia đình anh sẽ trở thành một trong những tỷ phú lớn trên địa bàn. Anh Thanh chia sẻ: "02 năm trở lại đây giá quế, giá gỗ lên giá, nên tôi có ít quế này để tăng thu nhập. Ngay từ đầu trồng tôi cũng không nghĩ được giá như mấy năm nay. Nếu mà có thêm đất thì tôi sẽ còn trông nhiều thêm".
Còn tại bản Múi 1, xã Yên Sơn, huyện Bảo Yên, gần như 100% số hộ gia đình đồng bào Dao đều tham gia trồng rừng. Hộ trồng ít nhất cũng hơn 1 ha, và có thu nhập khá tốt từ nghề rừng. Gia đình ông Triệu Kim Tiến trồng quế từ năm 2000, đến nay diện tích rừng của ông đã lên đến hơn 10 ha. Ngoài thu nhập từ bán vỏ quế, cành lá quế cũng được ông thu gom để chế biến tinh dầu, thân gỗ được ông lạng thành ván mỏng cung cấp cho thị trường. Năm nào ông Tiến cũng thu được khoảng 120 triệu đồng. Ông Tiến cho biết: "Ngày xưa cứ đi làm ở chỗ này, chỗ khác, đến giờ tôi thấy trồng rừng hiệu quả được cây cối bán, đất được giữ mầu, khai thác đợt đầu song, bắt đầu lại tiếp đợt sau. Mình không tàn phá rừng mà trồng rừng, khai thác khoa học, nên giữ được nước. Nước gần nhà tôi dùng để ăn và dùng để tưới tiêu ruộng đất của mình".
Mô hình phát triển kinh tế bền vững bằng nghề trồng rừng của đồng bào Dao ở Bản Múi 1 dần được đồng bào dân tộc Mông ở Bản Múi 3 tiếp cận. Ban đầu, người Mông đi làm thuê chăm sóc rừng để học nghề trồng quế. Sau đó, bà con chủ động trồng trên diện tích đồi rừng được giao khoán. Anh Giảng Seo Chẩn ở Bản Múi 3, xã Yên Sơn, huyện Bảo Yên chia sẻ: "Thấy người Dao làm được, tôi về cũng vận động bà con phải trồng rừng để phủ xanh cho đất, đảm bảo cho ruộng nước, đảm bảo cho tưới tiêu, cuộc sống bền vững lâu dài. Bà con cũng trồng theo".
Tổng giá trị từ cây quế mang lại cho nông dân toàn tỉnh trong năm 2018 đạt gần 200 tỷ đồng.
Lợi ích phủ xanh đất trống đồi núi trọc, giữ đất, giữ nước cùng các nguồn lợi từ kinh tế rừng là rất rõ ràng và để tiếp thêm động lực giúp người dân thêm gắn bó với nghề rừng, những năm qua Lào Cai đã đặc biệt quan tâm, có nhiều cơ chế chính sách ưu đãi để thu hút các tổ chức, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực chế biến lâm sản, giúp bà con gia tăng giá trị của rừng. Nhà máy MDF ở huyện Bảo Yên là một trong những cơ sở chế biến lâm sản lớn nhất của tỉnh Lào Cai hiện nay. Không chỉ tạo công ăn việc làm trực tiếp cho 230 lao động là người dân địa phương, mà còn có hàng nghìn lao động khác được hưởng lợi thông qua việc cung ứng nguyên liệu cho nhà máy.
Cùng với các cơ sở chế biến với quy mô lớn, mạng lưới các hợp tác xã, thậm chí là tổ hợp tác về chế biến lâm sản đã xuất hiện ngày càng nhiều, ở khắp các địa phương trong toàn tỉnh đã tạo lực đẩy quan trọng, giúp các gia đình có thêm niềm tin, gắn bó với nghề trồng rừng. Trước kia phần lớn gỗ rừng trồng thường được bà con ở thị trấn Phong Hải, huyện Bảo Thắng bán làm củi, họa hoằn những cây to, thẳng mới được một vài cơ sở chế biến lâm sản dưới xuôi thu mua để làm đũa, song giá cũng rất thấp. Còn hiện nay, tất cả các loại cây thân gỗ, to nhỏ đều được các cơ sở chế biến trên địa bàn thu gom bóc thành ván và tiêu thụ khá tốt. Nếu các cơ sở chế biến giúp gia tăng giá trị sản phẩm của rừng trồng, thì việc khai thác nguồn lợi từ rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và cảnh quan lại được tiếp cận theo một hướng khác. Việc thành lập Quỹ Môi trường rừng và thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng chính là yếu tố gắn kết giữa các chủ thể liên quan tới rừng. Sau 08 năm thành lập, quỹ đã huy động được hàng trăm tỷ đồng từ các doanh nghiệp hưởng lợi từ rừng, như các nhà máy thủy điện, các doanh nghiệp du lịch..., tạo nguồn tài chính vững chắc để chi trả cho công tác khoanh nuôi, bảo vệ rừng tự nhiên và trồng rừng mới. Đây là những yếu tố quan trọng kích thích nghề rừng ở Lào Cai phát triển. Đánh giá cao về kết quả đạt được ở lĩnh vực lâm nghiệp, đồng chí Đặng Xuân Phong, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai cho biết: "Từ việc khai thác là chính đến nay đã chuyển dần thành việc nuôi dưỡng và phát triển lâu dài, làm giàu từ nghề rừng. Từ việc quảng canh, đến nay chúng ta đã đa canh, thâm canh để nâng cao hiệu quả kinh tế lâm nghiệp. Từ việc nhà nước quản lý là chính hiện nay chúng ta đã phát triển ra nhiều thành phần kinh tế để đảm bảo thực hiện có hiệu quả hơn. Tận dụng nhiều sản phẩm ngoài gỗ rừng như việc phát triển cây quế, từ tinh dầu quế, từ vỏ quế hoặc một số cây trồng khác. Và tiếp nữa là sự quan tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị để đảm bảo cho người dân ổn định cuộc sống bảo vệ biên cương, bảo vệ biên giới, bảo vệ an ninh trật tự trên địa bàn".
Sau 28 năm, đến nay tỷ lệ tán che phủ rừng của Lào Cai đã đạt khoảng 55%.
Như vậy là sau 28 năm kể từ ngày tái lập tỉnh, với các giải pháp đồng bộ, phù hợp về quy hoạch, quản lý bảo vệ rừng, phát triển rừng và khai thác sử dụng rừng một cách hợp lý, đến nay tỷ lệ tán che phủ của Lào Cai đã đạt khoảng 55%, tăng gần 37% so với thời điểm năm 1991. Đây chính là kết quả từ niềm tin của người dân vào nghề rừng, vào những cơ chế, chính sách và hàng loạt các giải pháp mà Lào Cai đã triển khai trong thời gian qua. Để tiếp tục phát triển nghề rừng, nâng tỷ lệ che phủ rừng lên 56% vào năm 2020 như mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XV đã đề ra, các cấp, các ngành chức năng của tỉnh đang tiếp tục rà soát những tồn tại, hạn chế, qua đó tham mưu để nghề rừng có thêm những chính sách phù hợp hơn trong giai đoạn mới. Trong đó đặc biệt lưu ý đến thực hiện kế hoạch tái cơ cấu ngành lâm nghiệp, nâng cao giá trị kinh tế từ rừng, tạo nguồn thu nhập ổn định, bền vững cho người dân làm nghề rừng./.
Quang Thuận
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết