Laocaitv.vn - Dựa vào lợi thế về khí hậu và chất đất phù hợp với sự sinh trưởng và phát triển của cây quế, thời gian qua bà con nhân dân xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà đã tập trung mở rộng diện tích trồng quế trên cơ sở phát triển bền vững và hiệu quả. Mạnh dạn đầu tư chuyển đổi cơ cấu cây trồng, Cốc Lầu đang đổi thay từng ngày nhờ loại cây trồng này.
Tại thôn Cốc Lầu giờ không còn đất trống, đồi núi trọc, mà chỉ thấy màu xanh của những rừng quế
Cây quế được đưa về trồng ở Cốc Lầu vào những năm 90, nhưng vài năm trở lại đây, người nông dân Cốc Lầu mới thật sự nhận thấy giá trị kinh tế lớn từ loại cây trồng này. Gia đình anh Đặng Văn An mới trồng quế được 4 năm, nhưng hiện tại, mỗi năm gia đình anh cũng thu được gần chục triệu đồng từ tiền tỉa cành, bán lá quế và hy vọng đổi đời từ 3.000 gốc quế cũng được nhen nhóm trong suy nghĩ của người nông dân này. Anh Đặng Văn An, thôn Khe Thượng, Làng Mới, xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà chia sẻ: "Tôi thấy cây quế cho thu nhập cao nhất trong tất cả các cây trồng. Trước gia đình tôi trồng cây sắn, cây ngô bán chẳng được bao nhiêu tiền, thấy các cán bộ xã đến vận động chuyển đổi sang trồng cây quế, nhà tôi thực hiện luôn. Bây giờ đồi quế đang lên xanh tốt, tôi vui lắm, chỉ cần tỉa 1 cây quế là có tiền đi chợ rồi".
Tại thôn Cốc Lầu giờ không còn đất trống, đồi núi trọc, mà chỉ thấy màu xanh của những rừng quế. Hiện tại toàn thôn đã có trên 120 ha diện tích trồng cây quế và qua từng năm, diện tích quế của thôn tăng lên thì số hộ nghèo cũng giảm dần đi. Cách đây 20 năm, ông Vạn Quý Minh là một trong những người tiên phong trồng cây quế ở thôn Cốc Lầu, với diện tích khoảng 4 ha. Gia đình ông Minh cũng là một trong những hộ đầu tiên thu được hàng trăm triệu đồng, mua được xe ô tô, từng bước đổi đời nhờ cây quế. Học tập theo ông, người dân trong thôn cũng đã dần chuyển đổi từ cây ngô sang trồng cây quế, nhờ vậy, nhiều hộ lần lượt thoát được đói nghèo. Ông Vạn Quý Minh, thôn Cốc Lầu, xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà cho biết: "Bà con thấy mình làm thì cũng làm theo, bây giờ các hộ trồng rất nhiều, như mấy nhà trong thôn, thu hoạch cũng được vài trăm triệu, mua sắm được đồ dùng và có tiền gửi ngân hàng. Trước đây chỉ trông chờ vào cây lúa, cây ngô thôi, giờ có phong trào trồng cây quế, toàn thôn có hơn 40 hộ thì có tới hơn 30 hộ trồng cây quế rồi, nhà ít nhất cũng vài nghìn cây".
Thôn Cốc Lầu mấy năm vừa qua thu bạc tỷ từ cây quế
Đến nay, toàn xã Cốc Lầu đã có trên 800 ha quế, trong đó có trên 300 ha đã cho thu hoạch. Giá trị kinh tế từ cây quế mang lại đã cải thiện đáng kể đời sống của bà con nhân dân, làm thay đổi diện mạo của vùng đất nghèo khi xưa, đóng góp tích cực cho chương trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Hiện tại, Cốc Lầu đang quan tâm xây dựng vùng quế theo hướng hữu cơ để phát triển bền vững. Ông Vương Tiến Dũng, Bí thư Đảng ủy xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà cho biết: "Bây giờ người dân đã nhận thấy giá trị của cây quế rồi, thì không cần vận động họ cũng trồng. Hiện tại đã có 1 số doanh nghiệp, công ty vào hướng dẫn bà con trồng quế hữu cơ, không sử dụng thuốc trừ cỏ. Chúng tôi cũng tích cực tuyên truyền để người dân thực hiện và tôi thấy nhân dân cũng chấp hành khá tốt vấn đề này".
Với lợi thế đất tự nhiên rộng, còn nhiều tiềm năng để mở rộng diện tích, việc phát triển cây quế ở Cốc Lầu sẽ là hướng đi đúng đắn, thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, thực hiện hiệu quả chương trình xóa đói giảm nghèo ở địa phương. Tuy nhiên, cây quế là cây lâu năm, chưa cho thu hoạch ngay, nên cấp ủy chính quyền địa phương cũng tuyên truyền nhân dân duy trì trồng cây lúa và một số diện tích trồng cây ngô, trồng xen canh để đảm bảo lương thực và chăn nuôi, lấy ngắn nuôi dài.
Thu Hường – Minh Dũng
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết