Người Mông Mường Hoa với nghề làm sừng trâu độc đáo

17:56 25-10-2024 | :34

Laocaitv.vn - Tại các khu, điểm du lịch phát triển, nhiều nghề thủ công truyền thống, vốn đã gắn bó với đời sống và bản sắc văn hóa của người dân, thì nay đã trở thành những sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách. Trong phóng sự sau, chúng tôi giới thiệu đến quí vị về nghề làm sừng trâu độc đáo của người Mông ở xã Mường Hoa, thị xã Sa Pa.

Từ những chiếc sừng trâu thô thu gom tại các lò mổ, sau khi ngâm dưới bùn nước để long và tách lõi, sẽ được đưa vào chế tác. Với sự hỗ trợ của máy móc và thẩm mỹ của nghệ nhân, những chiếc sừng trâu trở nên hấp dẫn, tạo sự thích thú cho nhiều người. Đây cũng chính là sản phẩm không thể thiếu trong đời sống văn hóa của đồng bào Mông ở xã Mường Hoa. Anh Châu A Dế, thôn Hoà Sử Pán 1, xã Mường Hoa, thị xã Sa Pa cho biết: "Đồng bào Mông mình dùng sừng trâu này để đi làm lễ cưới hỏi, nếu mà không có cái sừng này thì người ta không cho cưới hỏi con gái người ta. Một là như vậy, thứ hai nữa là bây giờ đồng bào Mông mình, phong tục của dân tộc mình thì đám ma, đám cưới, người ta còn dùng cái này đựng rượu, để làm lý nữa".

Anh Châu A Dế chế tác những chiếc sừng trâu sau khi thu gom từ lò mổ.

Lúc mới chế tạo sừng trâu, anh Dế nghĩ chỉ làm để phục vụ cho đồng bào mình, nhưng khi du lịch trải nghiệm bản làng ngày càng phát triển, thì những sản phẩm này lại rất hấp dẫn khách du lịch. Mỗi chiếc sừng được chế tác đẹp mắt có thể bán với giá khoảng 3 triệu đồng, tuỳ theo cỡ to, nhỏ, độ cong và đẹp, giá cũng khác nhau. Anh Châu A Dế chia sẻ thêm: "Khách tây thì người ta mua ít, nhưng mà khách Việt thì người ta thích nên cũng mua nhiều. Còn những người làm homestay hoặc là các quán bán đồ cũ của người dân tộc thì người ta hay mua, những người đấy thì người ta hay mua cả đôi hoặc 3 - 4 chiếc luôn".

Những chiếc sừng trâu sau khi được chế tác trở nên đẹp mắt phục vụ cho đồng bào và hấp dẫn khách du lịch.

Chế tác sừng trâu chỉ là một trong nhiều nghề truyền thống được đồng bào Mông ở Mường Hoa gìn giữ, phát huy. Chính quyền địa phương cũng khuyến khích bà con phát huy, đưa nhiều sản phẩm truyền thống trở thành sản phẩm du lịch, phục vụ nhu cầu của du khách và tăng thu nhập cho người dân. Ông Nguyễn Công Duy, chủ tịch UBND xã Mường Hoa, thị xã Sa Pa nói: "Bảo tồn các nghề truyền thống như làm dao, làm trống, nghề đan lát, nghề thổ cẩm và các nghề khác, thì trên cơ sở của các nghề này, mục tiêu của xã là sẽ “Biến di sản thành tài sản” để phục vụ cho việc phát triển du lịch".

Anh Châu A Dế tư vấn bán những chiếc sừng trâu sau khi được chế tác cho khách hàng.

Từ đầu năm đến nay, xã Mường Hoa đã thu hút trên 40.000 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm, doanh thu từ du lịch - dịch vụ đạt trên 25 tỷ đồng. Kết quả này là minh chứng rõ nét cho sự hấp dẫn của cảnh quan thiên nhiên và những sản phẩm du lịch ấn tượng, được kế thừa, phát triển từ chính đời sống văn hóa độc đáo của đồng bào địa phương.

Ngọc Minh


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết