Laocaitv.vn - Công an thành phố Hà Nội cho biết, hiện nay trên mạng xã hội facebook xuất hiện các trang fanpage giả mạo “Trung tâm Đào tạo Cờ vua nhí” nhằm lôi kéo phụ huynh tham gia để chiếm đoạt tài sản. Nhiều phụ huynh muốn đăng ký cho con tham gia lớp học cờ vua đã truy cập vào đường link do đối tượng gửi. Khi phụ huynh điền thông tin sẽ có chuyên viên tư vấn nhắn tin trên fanpage cung cấp mã ứng viên để làm hồ sơ xin học.
Sau khi hoàn thành thủ tục đăng ký tham gia lớp học, các đối tượng sẽ yêu cầu tải ứng dụng Telegram và “add” vào một nhóm chat “Xét duyệt học viên chính”. Lúc này, các phụ huynh sẽ trở thành cộng tác viên online dưới hình thức mua sắm các sản phẩm của sàn thương mại điện tử để hưởng hoa hồng từ 10-15% số tiền/đơn hàng và tăng khả năng trúng tuyển của con mình. Nhiệm vụ của các “cộng tác viên online” là mua sản phẩm với số tiền tăng dần và lừa người tham gia chuyển tiền mua sản phẩm vào tài khoản của đối tượng.
Sau một hai đơn hàng có giá trị thấp thành công, các đối tượng yêu cầu người dân thực hiện các đơn hàng có giá trị cao, sau đó lấy nhiều lý do thông báo các đơn hàng bị lỗi, yêu cầu bị hại thực hiện lại nhiều lần hoặc đổi sang thực hiện đơn hàng có giá trị cao hơn, đến khi số tiền mua hàng đến hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỉ đồng, các đối tượng sẽ ngắt kết nối, xóa nhóm chat ở ứng dụng Telegram.
Để phòng ngừa lừa đảo, Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an thành phố Hà Nội đề nghị người dân cảnh giác khi đăng ký tham gia các lớp học được quảng cáo trên mạng xã hội facebook và tuyên truyền với người thân, gia đình, bạn bè về thủ đoạn trên. Khi gặp các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần liên hệ ngay với cơ quan Công an để kịp thời giải quyết theo quy định.
Công an thành phố Hà Nội thông tin thêm, hiện nay, xuất hiện tình trạng các đối tượng giả mạo cán bộ của UBND phường/xã gọi điện thông báo người dân tích hợp mã định danh trên Cổng dịch vụ công. Đối tượng gợi ý người dân thực hiện việc tích hợp bằng phần mềm Dịch vụ công giả mạo để thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Điển hình như trường hợp ông P (sinh năm 1963; trú tại Hoàn Kiếm, Hà Nội) nhận được điện thoại của một người tự xưng là cán bộ UBND phường Hàng Bông (Hoàn Kiếm) đề nghị ông tích hợp mã định danh tại nhà.
Đối tượng yêu cầu ông P tải phần mềm Dịch vụ công giả mạo. Sau khi đăng nhập, ông P phải quét camera nhận diện trong phần mềm. Đến ngày hôm sau, ông P phát hiện ra tài khoản chứng khoán bị mất quyền kiểm soát, bị bán và chuyển hết tiền cho tài khoản khác. Tổng số tiền bị mất là 3 tỷ đồng. Trước tình trạng nêu trên, Công an thành phố Hà Nội đề nghị người dân cảnh giác khi nhận các cuộc gọi điện thoại từ người lạ, tự xưng là cán bộ cơ quan nhà nước để thông báo, yêu cầu bổ sung, cung cấp thông tin cá nhân qua điện thoại.
Người dân tuyệt đối không cài đặt các phần mềm, ứng dụng theo yêu cầu của các đối tượng, bởi nếu cài đặt phần mềm giả mạo sẽ có nguy cơ bị chiếm quyền điều khiển toàn bộ điện thoại. Các tin nhắn, cuộc gọi đến máy điện thoại của nạn nhân sẽ được ứng dụng kiểm soát, ngầm chuyển về máy chủ do đối tượng quản lý, không hiển thị trên điện thoại của nạn nhân.
Nguy hiểm hơn, các đối tượng chiếm quyền điều khiển điện thoại di động từ xa, sau đó truy cập vào tài khoản, chuyển tiền của bị hại. Trường hợp nhận được các tin nhắn và cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần kịp thời trình báo cơ quan Công an để ngăn chặn và xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo Báo Tin tức
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết