Tăng cường quản lý hướng dẫn viên du lịch

08:04 04-12-2017 | :579

Laocaitv.vn - Tổng cục Du lịch vừa có văn bản gửi các Sở Du lịch và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, thành phố về việc thực hiện triển khai quản lý hướng dẫn viên (HDV) theo quy định của Luật Du lịch năm 2017. Theo đó, từ ngày 1-1-2018, bên cạnh việc phải có thẻ HDV và có hợp đồng hướng dẫn với doanh nghiệp lữ hành, HDV muốn hành nghề còn cần: “có hợp đồng lao động với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hướng dẫn du lịch hoặc là hội viên của tổ chức xã hội-nghề nghiệp về hướng dẫn du lịch”. Quy định nêu trên đang khiến một bộ phận HDV, nhất là các HDV tự do lo lắng vì nguy cơ thất nghiệp.

Theo các HDV, yêu cầu buộc họ phải trực thuộc một công ty hay tổ chức nghề nghiệp nào đó chẳng khác gì một “giấy phép con” làm hạn chế thu nhập và thắt chặt các mối quan hệ của họ. Bởi khi ký hợp đồng với một công ty, họ chỉ có thể dẫn khách theo sự phân công của công ty đó, cho nên không thể bảo đảm lúc nào cũng có việc. Nhất là vào những mùa thấp điểm du lịch, không phải doanh nghiệp nào cũng bảo đảm được việc làm thường xuyên hoặc chi trả lương, trợ cấp thất nghiệp cho HDV. Ấy là chưa kể, với những HDV trẻ mới ra trường, để được các doanh nghiệp ký hợp đồng là cả một thách thức. Về hội nghề nghiệp, hiện mới chỉ có Hội HDV du lịch Việt Nam trực thuộc Hiệp hội Du lịch Việt Nam vừa thành lập từ tháng 10, vì thế không ít HDV băn khoăn nếu gia nhập họ sẽ phải mất hội phí mà không hiểu quyền lợi có được Hội bảo đảm hay không. 

Tuy nhiên, lãnh đạo ngành và các chuyên gia du lịch cho rằng, những quy định mới về điều kiện hành nghề HDV mà Luật Du lịch năm 2017 đặt ra là cần thiết, xuất phát từ chính nhu cầu thực tế chứ không phải áp đặt một chiều. Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, hiện cả nước có gần 20.000 HDV được cấp thẻ, số HDV có hợp đồng lao động với các công ty lữ hành chỉ khoảng 1.000 người, còn lại số lượng lớn là HDV hoạt động tự do, không trực thuộc bất cứ một tổ chức, doanh nghiệp nào. Điều này đã gây khó khăn cho công tác quản lý cũng như làm nảy sinh nhiều tiêu cực trong bảo đảm chất lượng dịch vụ du lịch, bảo vệ thương hiệu du lịch quốc gia. Thời gian qua, qua rà soát hệ thống hồ sơ, Tổng cục Du lịch đã phát hiện gần 400 trường hợp sử dụng bằng cấp giả để xin cấp thẻ HDV. Không hiếm HDV làm việc vô trách nhiệm, ảnh hưởng tới uy tín, hình ảnh của doanh nghiệp, thương hiệu du lịch quốc gia. 

Mặt khác, cũng vì hoạt động tự do mà nhiều HDV không được bảo đảm quyền lợi như nữ HDV có con nhỏ không thể đi xa bị đơn vị thuê ép nhận mức thù lao thấp. Nhiều HDV phải chấp nhận không lấy thù lao vào mùa thấp điểm, chỉ lấy phần bồi dưỡng từ khách. Để bù lại, họ thường tìm cách đưa khách đến những cơ sở mua sắm để hưởng phần trăm, gây ảnh hưởng tới chất lượng tua. Chính vì thế, quy định HDV phải thuộc sự quản lý của doanh nghiệp du lịch, đơn vị cung ứng dịch vụ HDV hay tổ chức hội nghề nghiệp không chỉ để thuận lợi hơn cho công tác quản lý, kịp thời phát hiện sai phạm, đưa hoạt động hướng dẫn du lịch đi vào khuôn khổ; mà còn để hỗ trợ đào tạo nghiệp vụ, bảo vệ quyền lợi của HDV, cũng là bảo đảm quyền lợi của du khách, doanh nghiệp và hình ảnh du lịch Việt Nam. Các quy định này được thông qua tại Luật Du lịch năm 2017 dựa trên thực tế hoạt động lữ hành và sự tham vấn ý kiến rộng rãi của nhiều chuyên gia du lịch, người làm du lịch. 

Trước lo ngại của các HDV tự do, các nhà quản lý du lịch cho rằng nếu không ký hợp đồng với doanh nghiệp, HDV có thể tham gia hội nghề nghiệp. Hơn nữa, với tốc độ tăng trưởng khách du lịch nhanh, mạnh như hiện nay, các HDV có kỹ năng nghiệp vụ luôn có việc làm. Theo một thống kê mới đây, tại một số doanh nghiệp lữ hành lớn, lượng HDV cơ hữu, cộng tác viên được ký hợp đồng nguyên tắc là hơn 5.000 người. Như vậy, không phải doanh nghiệp không sẵn sàng ký hợp đồng với HDV. Ngành du lịch hoạt động theo quy luật kinh tế thị trường, cho nên người lao động cũng phải đáp ứng được nhu cầu của thị trường.

Theo Báo Nhân dân điện tử


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết