Cái lý của sữa, cái lý của rượu

13:15 08-01-2018 | :687

Ảnh minh họa

Laocaitv.vn- Chiều cao trung bình của cả nam lẫn nữ Việt Nam đều nằm trong top 20 nước lùn nhất thế giới. Một phần đến từ dinh dưỡng không hợp lý. Người Việt thuộc nhóm uống sữa thấp trên thế giới. Nhưng ngược lại, Việt Nam đã trở thành một “cường quốc bia rượu”. Song, nếu sữa có cái lý của sữa, thì rượu có cái lý của rượu. Uống rượu cho người ta cảm giác “phong độ”, “cao lớn” hơn, người ta ăn nói, hành động quyết liệt hơn tức thì… Còn chiều cao do sữa mang lại, còn lâu mới thấy...

 

Người Việt nổi tiếng thân thiện, giàu tình cảm và quan tâm đến những người chung quanh. Nếu ai còn chưa tin điều này thì thử ngồi vào bàn tiệc, hoặc dân dã hơn là bàn nhậu. Người Việt mình thường thể hiện sự quan tâm bằng cách gắp thức ăn vào bát của người khác. Cũng như thế, người ta chăm sóc kỹ lưỡng cho bạn bè cái uống, nhất là đồ uống có cồn. Chén rượu được rót ra, không phải một vài con mắt, mà “cả mâm” sẽ luôn dõi theo đến khi nào bạn ngửa cổ, dốc chén xong xuôi. Chỉ khi ấy, bạn mới nhận nhận được cái bắt tay rất chặt, cái vỗ vai ân cần. Một tràng pháo tay sẽ nổ ra nếu có người sau khi uống, dận cái chén trong tư thế úp thật mạnh xuống bàn.

Hiếm có dân tộc nào có nhiều “cái lý” ngồi vào bàn nhậu như người Việt mình. Vừa hôm qua gặp nhau “lai rai”. Hôm nay đã tìm được lý do để “cụng chén”. Mà đã ngồi xuống, không uống “tới bến”, khó được coi là “biết cư xử”, “biết quan hệ”, “sống được”… Người ta “song tấu”, “tam ca”, hay “đồng khởi” nâng ly vì món mới được bưng ra, vì hôm nay đẹp trời hơn hôm qua, vì cô bé phục vụ duyên quá, vì món xào ăn đến nửa đĩa mà vẫn nóng hổi… Cũng hiếm đất nước nào, ngành “công nghiệp” phục vụ cho nhu cầu sử dụng đồ uống có cồn lại phát triển như Việt Nam. Một đứa trẻ mười tuổi cũng có thể đi mua can rượu năm bảy lít cho bố mẹ dễ dàng. Không những bất kỳ lý do gì, bất cứ nơi đâu cũng có thể trở thành bàn tiệc bia rượu. Ở những thành phố lớn, cứ khoảng sáu giờ tối, người ta “vào ca” ăn uống. Người ta sẵn sàng “vượt khó” ngồi bên cạnh cống nước thải chảy rí rách để “dô, dô” là chuyện thường tình…

Với lối văn hóa ứng xử thân thiện, quan tâm đến cái ăn, cái uống của bạn bè, đối tác, với thói quen “nhìn đời qua đáy cốc” của nhiều người, tốc độ tăng trưởng tiêu thụ bia rượu của Việt Nam có tính vững bền. “Thành tựu” mới nhất là Việt Nam là không những chính thức dẫn đầu Đông Nam Á mà còn trở thành một “cường quốc bia rượu” ở châu Á. Điều này không phải do ta tự phong. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) trong công bố gần đây đã xác nhận, Việt Nam là nước có lượng tiêu thụ rượu bia đứng thứ hai ở châu Á, chỉ sau Hàn Quốc. Thái Lan một thời xếp trên chúng ta nay đã tụt lại ở vị trí thứ ba.

Năm 2017 vừa qua, người Việt đã tiêu thụ khoảng bốn tỉ lít bia, chưa hàng trăm triệu lít rượu các loại. Riêng rượu, khó có thể tìm được thống kê chính xác. Vì ngoài lượng rượu do nhà máy sản xuất và nhập khẩu, những lò nấu rượu thủ công khắp hang cùng, ngõ hẻm, nhất là nông thôn mỗi năm sản xuất hàng trăm triệu lít “cuốc lủi”. Điều ấy minh chứng rằng, chẳng những giữ vững vị thế thứ hai châu Á, Việt Nam hoàn toàn có thể đe dọa ngôi “quán quân châu Á” của Hàn Quốc trong tương lai.

Khi nghe câu chuyện người Việt uống đến mấy tỷ lít bia, trở thành “cường quốc bia rượu”, có người đã bảo rằng, giá như, số lít bia rượu ấy được chuyển thành… sữa. Hoặc giả có một chương trình “đổi cồn lấy sữa”. Khi ấy, mỗi khi đi ra nước ngoài, người Việt sẽ không phải… nghển cổ để nói chuyện với bạn bè quốc tế. Tổng Hội Y học Việt Nam mới đây đã công bố: Chiều cao trung bình của nam giới Việt Nam là 1,644 m; chiều cao trung bình của nữ giới là 1,534 m, kém xa so với các nước trong khu vực. Hiện tại, cả nam và nữ Việt Nam đều thuộc “top 20” những quốc gia thấp nhất thế giới. Chiều cao có liên hệ mật thiết với chế độ dinh dưỡng, nhất là sữa. Mặc cho việc rất rành lý thuyết sữa là nguồn dinh dưỡng giàu canxi và đạm, nhưng trong khi rất hăng hái chi tiền cho đồ uống có cồn, thì người Việt lại thuộc nhóm uống sữa thấp nhất thế giới.

Báo cáo của Công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel Việt Nam trong năm 2017 chỉ ra rằng, Việt Nam tiêu thụ sữa bằng một nửa Thái Lan. Cụ thể, một gia đình có trẻ em Việt Nam mỗi tháng tiêu thụ bảy lít sữa. Con số này ở Thái Lan là 13. Mức tiêu thụ này còn lâu mới so sánh được với các nước châu Âu, trung bình mỗi người uống đến hàng trăm lít mỗi năm. Sự “thấp bé nhẹ cân” thể hiện rõ nhất trong thi đấu thể thao. Mỗi khi ra sân, không cần phải là người hay xem bóng đá, cũng nhận ra ngay: Cầu thủ Việt Nam thấp bé hơn hầu hết các đối thủ. Trong đó có đối thủ nhiều duyên nợ là người Thái. Ngay cả khi gặp những đối thủ trình độ chuyên môn kém, nhưng cứ tạt cánh đánh đầu là cầu thủ Việt Nam lập tức khốn đốn. Thể hình luôn là yếu tố mà thể thao nói chung, bóng đá Việt Nam nói riêng luôn thua thiệt.

Nhưng nếu có chương trình “đổi cồn lấy sữa” thì sao? Có người lại bảo chương trình sẽ phá sản vì chưa chắc đã có người đến đổi. Bởi nếu sữa có lý của sữa, thì rượu có cái lý của rượu. Cao Bá Quát từng viết: “Ngoảnh mặt lại cửu hoàn (chỉ trời đất) coi cũng nhỏ” trong bài thơ về rượu. Uống rượu, người ta bỗng cảm thấy “phong độ, tự tin” hơn. Người ta ăn nói, hành động mạnh bạo, quyết liệt hơn, cảm thấy mình “cao lớn” hơn tức thì. Chả thế mà, Tết nào cũng có chuyện “phóng xe quá đà”, “vung tay, vung chân quá mạnh”, sau những màn tiệc rượu. Còn chiều cao do sữa mang lại, còn lâu mới thấy...

Theo Báo Nhân dân điện tử


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết