Chiến thắng 30/4/1975 mở ra thời đại mới cho dân tộc Việt Nam

05:39 30-04-2018 | :767

Laocaitv.vn - Cách đây 43 năm, vào đầu năm 1975, trên cơ sở đánh giá, so sánh lực lượng giữa ta và địch, nắm bắt thời cơ lịch sử, Bộ Chính trị đã hạ quyết tâm chiến lược, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Mở đầu bằng chiến dịch Tây Nguyên (từ 10-3 đến 24-3-1975) và kết thúc bằng chiến dịch Hồ Chí Minh (từ 9-4 đến ngày 30-4-1975), cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai của nhân dân ta đã thắng lợi hoàn toàn; Hiện thực hóa điều mong ước của Bác Hồ “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, cả nước thống nhất cùng đi lên CNXH. 

Chiến thắng 30/4/1975 mang ý nghĩa dân tộc và thời đại. Đại hội toàn quốc lần thứ IV của Đảng (tháng 12/1976) đánh giá: “Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đánh giá: “Trong quá trình cách mạng Việt Nam từ khi có Đảng, ba cái mốc chói lọi bằng vàng: Tổng khởi nghĩa tháng Tám, chiến thắng Điện Biên Phủ và chiến thắng mùa xuân 1975, đại thắng mãi mãi sáng ngời trong sử sách. Nhân dân Việt Nam đã làm nên câu chuyện thần kì tưởng chừng không thể làm được giữa thế kỷ XX. Lần đầu tiên trong lịch sử, một dân tộc vốn là thuộc địa, nửa phong kiến, kinh tế kém phát triển, đánh thắng những cường quốc, đế quốc chủ nghĩa chủ yếu bằng sức của chính mình, nêu một tấm gương anh dũng, bất khuất, trí tuệ, tài năng trước toàn thế giới”.

Sau mốc son 30/4/1975, ngày 25/4/1976 chúng ta tiến hành tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung của cả nước (QH khóa VI); Ngày 24/6/1976 Quốc hội khóa VI họp phiên đầu tiên, bầu bộ máy nhà nước, đánh dấu bước thắng lợi quyết định của nhân dân ta trên con đường thống nhất nước nhà về mặt nhà nước. Tại kỳ họp này Quốc hội Nghị quyết về tên nước là nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, quốc kỳ, quốc huy, thủ đô, quốc ca của nước Việt Nam thống nhất. Tiếp theo, Đại hội toàn quốc lần thứ IV của Đảng diễn ra từ ngày 14/12 đến 20/12/1976 tại Hà Nội đã đề ra đường lối chung trong thời kỳ quá độ lên CNXH ở nước ta. Từ đó đến nay, nước ta bước vào thời kỳ mới, xây dựng CNXH và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.

chien thang 30/4/1975: goc nhin bao gioi nuoc ngoai hinh 2

Xe tăng húc đổ cổng dinh Độc lập ngày 30/4/ 1975. (Nguồn: VOV.vn)

Bốn mươi ba năm qua, phát huy tinh thần tự lực tự cường, dân tộc Việt Nam ta đã ra sức khắc phục hậu quả chiến tranh, vượt qua khủng hoảng, tiến hành đổi mới… làm cho đất nước có sự phát triển mạnh mẽ, toàn diện. Từ chỗ là nước nghèo nhất thế giới, lại phải chịu hậu quả của những cuộc chiến tranh dài nhất, khốc liệt nhất thế giới; song đến năm 2010, chúng ta đã thoát ra khỏi tốp các nước nghèo nhất, trở thành nước phát triển trung bình có thu nhập thấp. Đến 2017, tổng GDP đã đạt trên 220 tỷ USD, bình quân thu nhập đầu người đã đạt 53,5 triệu đồng, tương đương 2.385 USD, gấp hơn 20 lần so với năm 1990. Một bộ phận lao động Việt Nam đạt trình độ quốc tế; một số doanh nghiệp Việt Nam đã vươn ra tầm thế giới. Việt Nam có quan hệ kinh tế, thương mại với 200 quốc gia và vùng lãnh thổ; ký 13 hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương với các đối tác kinh tế lớn. Đời sống tinh thần của người dân được cải thiện cơ bản, trên 97% dân số biết chữ; trên 90% dân số được nghe đài, xem truyền hình; trên 50% dân số dùng Intenet, mọi người dân đều được chăm sóc về y tế…

Việt Nam có quan hệ ngoại giao với 187 quốc gia và vùng lãnh thổ; vị thế của Việt Nam được nâng lên; là thành viên của 63 tổ chức quốc tế. Đặc biệt nước ta đã được bầu làm ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, nhiệm kỳ 2008-2009; Đăng cai và tổ chức thành công một số sự kiện ngoại giao lớn như: Hội nghị thượng đỉnh khối Pháp ngữ; hội nghị cấp cao APEC, chủ tịch luân phiên ASEAN… Tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội luôn được giữ vững, chính trị ổn định trong điều kiện thế giới luôn có những biến đổi nhanh chóng, khó lường… Đất nước biến đổi rất sâu sắc, theo hướng văn minh, hiện đại, người dân ấm no, hạnh phúc.

chien thang 30/4/1975: goc nhin bao gioi nuoc ngoai hinh 4

Các tầng lớp nhân dân Sài Gòn tham dự mít tinh mừng chiến thắng. (Nguồn: VOV.vn)

Cùng với cả nước, Lào Cai từ một tỉnh miền núi, biên giới, khó khăn, lạc hậu, thuộc diện nghèo nhất nước, đã có sự vươn lên mạnh mẽ trở thành tỉnh có nhiều điểm sáng về phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh trật tự, bảo vệ vững chắc biên giới thiêng liêng của Tổ quốc, mở rộng hoạt động đối ngoại… Và đang phấn đấu trở thành tỉnh phát triển của khu vực Tây Bắc trong tương lai không xa. Sự biến đổi căn bản đó bắt nguồn từ mốc son chiến thắng 30/4/1975.

Chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm, đã có ít nhất 2 thế hệ người Việt Nam được sinh ra sau 30/4/1975; thế hệ trẻ ngày nay được sống trong hòa bình, tự do xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, điều đó được đổi bằng biết bao xương máu của các thế hệ đi trước. Trong xã hội chắc chắn nhiều người hiểu được giá trị của cuộc sống hôm nay, song cũng có một số người chưa cảm nhận được đầy đủ về điều đó. Họ mơ hồ về lịch sử dân tộc, thậm chí còn xuyên tạc, đàm tiếu, a dua theo một số luận điệu của các thế lực thù địch, nhằm phủ định ý nghĩa lịch sử vĩ đại của đại thắng mùa xuân 1975, phủ định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Vì vậy, cần tăng cường giáo dục truyền thống lịch sử thông qua sách, báo, qua lời kể của các cựu chiến binh và những người tham gia phục vụ kháng chiến; Qua các cuộc tham quan tìm hiểu di tích lịch sử… Làm cho các thế hệ đi sau hiểu đầy đủ về những cuộc chiến tranh đầy gian nan, vất vả, cam go, nhưng hết sức oanh liệt, vĩ đại mà các lớp cha anh đã thực hiện để có ngày hôm nay. Từ đó biết quý trọng những giá trị lịch sử;Tthực hiện tốt các hoạt động đền ơn, đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn; Ta sức xây dựng đất nước giafu mạnh, đồng thời luôn nêu cao cảnh giác, sẵn sàng làm thất bại mọi âm mưu của các thế lực thù địch nhằm chống phá cách mạng nước ta. Các cơ quan chức năng cũng như cán bộ, đảng viên cần chủ động, tích cực phản bác các luận điệu xuyên tạc lịch sử dân tộc; kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Kỷ niệm ngày chiến thắng 30/4 hàng năm là dịp để tăng cường các hoạt động giáo dục truyền thống đối với nhân dân nói chung, đặc biệt là thế hệ trẻ. Thiết nghĩ đây là một trong những nội quan quan trọng cần tập trung lãnh đạo của cấp ủy các cấp, là nhiệm vụ của các cơ quan tuyên truyền, giáo dục, các đoàn thể chính trị xã hội, nhất là đối với tổ chức Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

 Đỗ Văn Lược


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết