Giải "bài toán" về lao động trẻ em ở Sa Pa

13:45 01-06-2024 | :553

Laocaitv.vn - Tình trạng trẻ bán hàng rong, đeo bám khách du lịch là vấn đề xã hội phức tạp, không thể giải quyết trong một sớm, một chiều. Để phát triển du lịch bền vững, doanh nghiệp và cả người dân làm du lịch ở Sa Pa cần đồng hành cùng cấp ủy, chính quyền, đẩy lùi nạn chèo kéo, đeo bám khách. Tại bản Cát Cát, không chỉ người già, mà hàng trăm trẻ em đang được tạo điều kiện ăn học, vui chơi cùng các nghệ nhân người Mông. Cách làm này không chỉ giúp bảo tồn văn hóa Mông, mà tạo ra những sản phẩm du lịch, mang lại thu nhập cho người dân địa phương, hạn chế tình trạng trẻ em phải chèo kéo du khách tại các điểm du lịch.

Nghỉ hè, ngày nào Má A Minh cũng xuống bản Cát Cát. Tại đây, Minh và các bạn không chỉ thoải mái vui chơi, mà còn được tham gia những lớp học ý nghĩa cùng các nghệ nhân người Mông như: Viết chữ, vẽ sáp ong, thêu thổ cẩm, hát múa...

Các em học sinh được các nghệ nhân người Mông dạy vẽ sáp ong.

Em Má A Minh, thôn Cát Cát, xã Hoàng Liên, thị xã Sa Pa cho biết: “Trước đây, hè cháu ở nhà giúp bố mẹ đi chăn trâu, chăn bò. Xuống đây được khu du lịch trả lương, được chơi với các bạn cháu rất vui. Mình đã giữ gìn được bản sắc văn hóa dân tộc”.

Nghệ nhân Giàng Seo Gà, phường Sa Pa, thị xã Sa Pa chia sẻ: “Đến đây tôi dạy các em hát, chữ, múa, đan lát, bảo tồn văn hóa người Mông, các em không biết thì tôi dạy. Ngày xưa các em không học là đi xin kẹo, xin tiền khách du lịch ảnh hưởng truyền thống văn hóa. Giờ các em xuống đây không được phép đi xin tiền khách, tạo môi trường rất đẹp”.

Nghệ nhân Giàng Seo Gà dạy các em viết chữ.

Hiện, bản Cát Cát đang tạo điều kiện cho gần 250 học sinh người dân tộc thiểu số đến vui chơi, học tập mỗi ngày. Qua các hoạt động bảo tồn văn hóa Mông, nhiều sản phẩm du lịch trải nghiệm hấp dẫn cũng được hình thành, thu hút sự quan tâm của du khách. Doanh thu tăng, các em được hỗ trợ mua sắm trang phục, đạo cụ phục vụ học tập và được trả công 100.000 đồng/ngày.

Ông Nguyễn Trung Kiên, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Du lịch Cát Cát bày tỏ: “Cùng với người già thì trẻ em cũng gây nhiều phiền nhiễu đeo bám khách, khu du lịch chúng tôi vận động các em nhỏ cuối tuần về dạy các em văn hoá Mông, dạy hát, chữ viết…được du khách thích thú, giảm thiểu văn hoá ngoại lai hiện nay”.

Với cách làm này, không những bản sắc văn hóa truyền thống được gìn giữ, bảo tồn và phát triển, mà còn giúp địa phương tạo sinh kế bền vững cho người dân, hạn chế những tiêu cực từ nạn chèo kéo khách du lịch.

Tạo sinh kế cho người dân địa phương nhằm giảm thiểu tình trạng chèo kéo, đeo bám du khách.

Bà Hoàng Thị Vượng, Trưởng phòng Văn hoá - Thông tin thị xã Sa Pa nhấn mạnh: “Các khối doanh nghiệp, kinh doanh có trách nhiệm, đồng hành với thị xã thực hiện tuyên truyền phòng chống chèo kéo, bán hàng rong, bảo vệ môi trường, kinh doanh lành mạnh, không gian văn hoá đặc sắc, sẵn sàng tiếp nhận lao động, bố trí địa điểm bán hàng ổn định cho bà con tạo thu nhập ổn định, bền vững”.

Phát triển du lịch gắn với trách nhiệm của cộng đồng là nền tảng vững chắc cho du lịch. Điều này cũng góp phần giữ gìn hình ảnh, thương hiệu và nét đặc trưng của Khu du lịch quốc gia Sa Pa.

Vân Anh – Ngọc Dương


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết