Giữ lửa nhịp xòe trên vùng đất Tả Chải

19:46 30-07-2019 | :646

Laocaitv.vn - Trong sinh hoạt văn hóa đồng bào Tày ở xã Tà Chải, huyện Bắc Hà có những điệu xòe sôi động, làm đắm say lòng người, đây là món ăn tinh thần không thể thiếu. Di sản văn hóa xòe Tà Chải là niềm tự hào, vinh dự của một dân tộc có bề dày văn hóa, bởi vậy mà thế hệ những nghệ nhân ở Tà Chải luôn đau đáu với việc giữ gìn, truyền lại cho thế hệ sau những điệu xòe độc đáo của dân tộc mình.

Ngày ngày các nghệ nhân vẫn say mê truyền dạy cho con, cháu những làn điệu truyền thống của dân tộc mình

Ở tuổi 83, ông Lâm Văn Lù, nghệ nhân cao tuổi nhất của xã Tà Chải vẫn say mê, tâm huyết với những làn điệu truyền thống của dân tộc mình. Hơn 10 tuổi biết múa xòe, rồi dành cả cuộc đời gắn bó, ông Lù đã thuộc tất cả các điệu xòe then và biết sử dụng thành thạo các loại nhạc cụ của đồng bào dân tộc Tày. Hiện giờ dù sức khỏe đã giảm sút đi nhiều, ông Lù vẫn cháy bỏng khát khao muốn truyền dạy lại từng làn điệu xòe cho thế hệ con cháu mình. Ông Lâm Văn Lù, Thôn Na Pác Ngam, xã Tà Chải, huyện Bắc Hà chia sẻ: "Mong tất cả anh em con cháu không được bỏ văn hóa của mình, phải phát triển nó, mất đi là mất tất cả, tôi cũng luôn luôn tự nhắc mình là không được bỏ, phải phát triển nó".

Cũng ở thôn Na Pác Ngam, tình yêu với múa xòe trong ông Lâm Văn Vương chưa bao giờ vơi cạn, ông Vương ghi chép lại một cách tỉ mỉ từng điệu xòe, từng câu hát, điệu múa truyền thống của dân tộc mình vào 1 cuốn sổ. Từ vài điệu xòe cổ, đến nay, xòe Tà Chải đã có tới hơn chục điệu, phản ánh sinh động đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân, do vậy ông Vương luôn trăn trở trong việc lưu giữ và truyền lại cho thế hệ sau. Ông Lâm Văn Vương, thôn Na Pác Ngam, xã Tà Chải, huyện Bắc Hà cho biết: "Chúng tôi sẽ truyền dạy cho các cháu tất cả những làn điệu mà chúng tôi đang có, để các cháu tiếp tục phát huy, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, sau này các cháu lớn lên lại truyền cho lớp trẻ khác, cứ như thế điệu xòe của Tả Chải sẽ không bị mai một".

Ngoài 5 đội xòe ở 5 thôn chuyên phục vụ các sự kiện, các ngày lễ lớn và hoạt động du lịch cộng đồng trên địa bàn, thời gian gần đây, một số thôn cũng đã thành lập các đội xòe dành riêng cho các em nhỏ. Những nghệ nhân múa xòe là những người trực tiếp truyền dạy các điệu xòe cổ và đệm đàn, trống cho các em. Em Vàng Kim Ngân, thôn Na Lang, xã Tà Chải, huyện Bắc Hà chia sẻ: "Chúng cháu thường tập vào các buổi sinh hoạt hè, mới đầu cũng rất khó khăn, về sau nhờ sự hướng dẫn của các cụ nên cũng dễ hơn và thấy yêu thích múa xòe hơn".

Xòe Tà Chải đã trở thành tài sản quý, một sản phẩm du lịch độc đáo hấp dẫn du khách khi đến với Bắc Hà

Ông Ngô Quang Thắng, Chủ tịch UBND xã Tà Chải, huyện Bắc Hà cho biết: "Các nghệ nhân có vai trò rất quan trọng trong việc giữ gìn, phát huy bản sắc dân tộc, chính những nghệ nhân đó họ cũng rất quan tâm đến vấn đề này và họ rất lo lắng về việc sau này sẽ bị mai một những điệu xòe mà họ đang gìn giữ, vì vậy họ đã tích cực truyên dạy cho con cháu. Khi chúng tôi xuống trao đổi để tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của các nghệ nhân, thì các nghệ nhân cũng mong muốn được chính quyền địa phương có những chủ trương, định hướng và kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện giữ gìn các bản sắc văn hóa dân tộc nơi đây, nhất là điệu múa xòe".

Xòe Tà Chải đã trở thành tài sản quý, một sản phẩm du lịch độc đáo hấp dẫn du khách khi đến với Bắc Hà. Hơn ai hết, những nghệ nhân múa xòe Tà Chải mừng vui với sự đổi thay này, đó cũng là động lực để họ tiếp tục vun đắp, truyền lửa nhịp xòe cho thế hệ trẻ, để cùng trân trọng, nâng niu và giữ gìn các giá trị truyền thống quý báu của dân tộc mình trên vùng đất cao nguyên trắng.

Nguyễn Huyền – Hải Nam


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết