Hiệu quả của việc liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp

09:58 04-01-2018 | :935

Laocaitv.vn - Để giải quyết nút thắt trong khâu sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, trong vòng 2 – 3 năm trở lại đây, huyện Bát Xát đã quan tâm phát triển các mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản giữa nông dân với doanh nghiệp.

Là một địa phương vùng cao của tỉnh Lào Cai, huyện Bát Xát có địa hình phân bố khá đa dạng, bao gồm cả khu vực vùng thấp lẫn vùng cao. Nếu ở các xã vùng thấp như: Cốc San, Quang Kim, Bản Qua, Bản Vược… người dân rất thuần thục trong việc ứng dụng các biện pháp thâm canh, lựa chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp để xây dựng những vùng sản xuất hàng hoá từ nhiều năm trước đây, thì tại các địa phương vùng cao, đường đi lối lại cực kì khó khăn như: Trung Lèng Hồ, Dần Thàng, Sàng Ma Sáo, Ngải Thầu, Y tý…việc ứng dụng các thành tựu khoa học tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp còn hết sức khó khăn. Bởi hầu hết các địa phương này vẫn chỉ thuần mỗi năm sản xuất 01 vụ lúa.

Thực hiện Đề án tái cơ cấu kinh tế ngành nông, lâm nghiệp của tỉnh, huyện Bát Xát đã triển khai Đề án: “Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, đưa cây trồng có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, gắn với phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hướng hàng hóa, giai đoạn 2016 - 2020”. Mục tiêu là phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hàng hóa, thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng hệ số sử dụng đất và mặt nước; sắp xếp lại tổ chức sản xuất nông nghiệp, trong đó, đặc biệt quan tâm đến việc đẩy mạnh liên kết sản xuất giữa nông dân và doanh nghiệp… nhằm giải quyết nút thắt đầu ra cho sản phẩm nông sản của bà con nông dân. Đây cũng được coi là giải pháp quan trọng, nhằm giúp địa phương vùng cao này giảm nghèo nhanh và bền vững, góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới của huyện đến năm 2020.

Để đạt được mục tiêu trên, huyện Bát Xát đã chủ động mời gọi, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các mô hình liên kết sản xuất  nông nghiệp với nông dân, đồng thời bắt buộc các địa phương trên địa bàn toàn huyện phải hoàn thành việc đổi mới phương thức tổ chức sản xuất theo yêu cầu chương trình xây dựng nông thôn mới. Trên cơ sở đó, các xã quy hoạch lại đồng ruộng, vận động người dân thay đổi cách thức tổ chức sản xuất, bắt tay cùng với các doanh nghiệp xây dựng những vùng sản xuất  nông nghiệp tập trung, mang tính hàng hoá.

Kết quả sau 02 năm thực hiện, các mô hình liên kết sản xuất giữa nông dân và doanh nghiệp trên địa bàn huyện Bát Xát đã tăng nhanh, diện tích đất canh tác theo hướng tập trung, hàng hoá cũng ngày càng rộng mở,  Có thể kể đến như việc triển khai vùng trồng cây ăn quả (lê Tai nung) ở các xã Y Tý, Pa Cheo, Nậm Pung; vùng trồng cây dược liệu tại xã Y Tý; vùng chăn nuôi đại gia súc tại các xã Y Tý, Sàng Ma Sáo, Ngải Thầu; vùng chè ở 2 xã Mường Hum, A Mú Sung; sản xuất lúa chất lượng cao tại xã Mường Vi; vùng trồng rau an toàn tại các xã Quang Kim, Cốc San, Bản Qua. Đến thời điểm hiện tại, toàn huyện Bát Xát có 42 hợp tác xã đang hoạt động theo mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với nông dân, trong đó có 16 hợp tác xã nông nghiệp và 3 làng nghề, 9 trang trại cho thu nhập cao.

Vùng lúa Séng Cù nguyên liệu của HTX Tiên Phong – Mường Vi

HTX cung ứng ra thị trường nội và ngoại tỉnh từ 20-25 tấn gạo Séng cù/tháng

Điển hình cho các mô hình liên kết thành công của huyện Bát Xát là mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ gạo Séng Cù giữa nông dân xã Mường Vi với Hợp tác xã Tiên Phong – doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn. Chính thức thành lập năm 2014, Hợp tác xã Tiên Phong – Mường Vi gồm 12 thành viên với số vốn khởi nghiệp là 760 triệu đồng. Với mục tiêu là liên kết sản xuất và bao tiêu gạo Séng Cù, ngay trong năm đầu tiên thành lập, Hợp tác xã Tiên Phong đã kí kết hợp đồng với 26 hộ dân  của xã Mường Vi chuyên sản xuất lúa Séng Cù. Theo đó, các hộ dân này được Hợp tác xã hỗ trợ kỹ thuật, phân bón để gieo cấy lúa và chịu trách nhiệm tiêu thụ sản phẩm sau thu hoạch của bà con nông dân với mức giá ổn định, tương ứng giá thị trường. Về phía nông dân, quá trình sản xuất phải tuân thủ chặt chẽ việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo hạt thóc làm ra ngon, song phải an toàn thực phẩm, đảm bảo sức khoẻ cho người tiêu dùng. Với cách làm này, chỉ sau 03 năm hoạt động, mô hình liên kết sản xuất kinh doanh của Hợp tác xã Tiên Phong đã mang lại hiệu quả rõ rệt, số hộ liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm với Hợp tác xã đã tăng gấp đôi. Bình quân mỗi tháng, doanh nghiệp này cung ứng ra thị trường nội và ngoại tỉnh từ 20 đến 25 tấn gạo Séng cù.

Có đơn vị bao tiêu sản phẩm, người dân trồng lúa ở Mường Vi không còn lo lắng về chuyện được mùa, mất giá nên mạnh dạn  thực hiện cánh đồng 01 giống, chuyển đổi toàn bộ gần 160 ha ruộng 02 vụ của địa phương sang cấy lúa Séng Cù. Bình quân mỗi năm, xã cung cấp ra thị trường khoảng 1600 tấn thóc Séng cù với giá bán cao gấp đôi các loại thóc thường, mang lại giá trị thu nhập bình quân mỗi năm từ 20 -22 tỷ đồng. Đây chính là nguồn thu quan trọng để Mường Vi đạt tiêu chí thu nhập và giảm hộ nghèo, hoàn thành mục tiêu xã  nông thôn mới vào cuối năm 2017.

Một mô hình liên kết thành công khác là mô hình sản xuất miến đao của Hợp tác xã Thành Sơn – xã Bản Xèo. Được thành lập từ cuối năm 2012, với sự tư vấn và giúp đỡ của Chi cục Phát triển nông thôn ( Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh), Hợp tác Thành Sơn ra đời nhằm khuyến khích người dân xã Bản Xèo khôi phục nghề làm miến vốn đã rất nổi tiếng của địa phương này từ cuối những năm 60, đầu những năm 70 của thế kỷ trước. Rất nhanh chóng, miến đao Bản Xèo lấy lại được tiếng vang của mình, nhanh chóng được thị trường tiêu thụ đón nhận. Chỉ tính riêng năm 2016, Hợp tác xã Thành Sơn sản xuất được 35 tấn miến đao, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 26 lao động ( là xã viên hợp tác xã)  với thu nhập bình quân  từ 4,5 - 05 triệu đồng/ người/ tháng.  

 

Sản phẩm Miến Đao Thành Sơn đã được Cục sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận đạt danh hiệu sản phẩm tin cậy, sản phẩm ưa dùng, dịch vụ hoàn hảo

Sau gần hơn 6  năm chính thức bắt tay vào sản xuất, đến nay, Hợp tác xã Miến Đao Thành Sơn đã xây dựng được vùng trồng nguyên liệu cây Đao riềng đỏ khoảng 350ha với trên 400 hộ dân tham gia sản xuất, tập trung tập trung 03 xã: Bản Xèo, Pa Cheo và Dần Thàng. Sản phẩm Miến Đao Thành Sơn đã được Cục sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận đạt danh hiệu sản phẩm tin cậy, sản phẩm ưa dùng, dịch vụ hoàn hảo. Và mới đây nhất, sản phẩm tiếp tục được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chứng nhận đạt Danh hiệu vàng Nông sản Việt nam năm 2017. Việc được nhận danh hiệu vàng đã giúp Sản phẩm Miến đao Thành Sơn có chỗ đứng vững hơn trên thị trường, cũng chính là giúp vùng nguyên liệu đao riềng của địa phương ngày càng rộng mở, ngày càng thêm nhiều hộ dân có thu nhập ổn định hơn.

Ngay trong vụ đông năm 2017 – 2018, huyện Bát Xát cũng đã thực hiện được 06 mô hình liên kết sản xuất, gồm mô hình trồng 100 ha rau đậu Hà Lan tại các xã A Lù, Ngải Thầu, Y Tý, Dền Thàng; 11 ha tỏi tại các xã Sàng Ma Sáo, Y Tý; 50 ha cây đương quy tại các xã Trịnh Tường, Nậm Pung, Pa Cheo; Rau vụ đông với hơn 200 ha sản xuất gối 2 vụ tại xã Quang Kim, Cốc San, Bản Qua; 30 ha khoai lang tại Bản Qua, Quang Kim và mô hình chăn nuôi 200 con ngựa sinh sản  tại các xã Sàng Ma Sáo  và Ngải Thầu. Là lãnh đạo 01 địa phương thực hiện mô hình liên kết sản xuất trong vụ đông, ông Lý A Khoa, Bí thư đảng uỷ xã Sảng Ma Sáo cho biết: năm 2017, lần đầu tiên xã liên kết với doanh nghiệp để trồng tỏi trên đất một vụ lúa. Cơ chế liên kết là bà con cho doanh nghiệp thuê đất với giá trị 30 triệu đồng/ ha/ năm; doanh nghiệp thuê lại bà con làm công cho mình. 30 hộ dân đầu tiên trong xã tham gia trồng được 8 ha tỏi.

Mô hình thí điểm liên kết trồng cây tỏi trên đất ruộng 1 vụ là của Công ty giống Vận Đạt, tỉnh Hải Dương với bà con nhân dân một số xã của huyện Bát Xát 

Trong số 42 Hợp tác xã đang hoạt động trên địa bàn huyện Bát Xát, không phải doanh nghiệp nào cũng thực hiện các mô hình liên kết thành công. Song rõ ràng với sự tăng nhanh về số lượng, các mô hình liên kết sản xuất giữa nông dân với doanh nghiệp, hợp tác xã đã giúp nông dân vùng cao Bát Xát từ chỗ “Tự sản tự tiêu” dần chuyển hướng “sản xuất theo chuỗi”, có sự bắt tay chặt chẽ giữa 04 nhà để nâng cao hiệu quả kinh tế nông, lâm nghiệp.  Đây cũng chính là mục tiêu lớn mà tỉnh Lào Cai và huyện Bát Xát hướng đến, nhằm thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp của địa phương./.

An Hồng

 


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết