Làm gì để bảo vệ công dân Việt bên kia biên giới? (kỳ 2)

13:42 08-03-2019 | :199

Laocaitv.vn - Nguyên nhân phần lớn người lao động vùng đồng bào dân tộc thiểu số tự ý vượt biên trái phép đi làm thuê thì đã rõ, hầu hết họ ra đi vì cuộc sống mưu sinh. Đây là một thực tế mà quản lý Nhà nước khó có thể dùng biện pháp hành chính để ngăn chặn, hay tuyệt đối cấm đoán. Nhưng đi lao động bằng con đường vượt biên trái phép thì rõ ràng đã vi phạm pháp luật, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Như vậy, bất cập hiện nay là gì, mời quý độc giả tiếp tục cùng chúng tôi tìm hiểu.

Quản lý Nhà nước đối với lao động tự do – khó ở điểm nào?

Trong 2 năm 2017, 2018, Công an huyện Mường Khương đã cấp giấy thông hành cho trên 7.000 lượt người. Trong số này, hầu hết là lao động tại địa phương được tạo điều kiện. Và giấy thông hành là tấm căn cước để bà con sang bên kia biên giới làm việc bằng con đường hợp pháp. Tuy nhiên, theo Trung tá Giàng A Lử, Phó trưởng Công an huyện Mường Khương cho biết, bất cập lớn nhất là giấy thông hành chỉ có thời hạn làm việc 15 ngày, sau đó, nếu muốn gia hạn, người lao động phải trở về nước và thực hiện lại thủ tục theo quy định. Trong khi hầu hết lao động của Mường Khương qua bên kia biên giới thường vào sâu nội địa Trung Quốc, họ tới các tỉnh như Quảng Đông, Quảng Tây làm việc. Chính vì vậy, giấy thông hành hầu như không có giá trị với họ, bởi công việc thường kéo dài vài tháng, đến nửa năm, thậm chí có người đi cả năm mới về. Còn việc cấp visa thì khó khăn, phức tạp hơn nhiều, nên đi chui là giải pháp hầu hết bà con lựa chọn. Theo thống kê của huyện Mường Khương, trong 2 năm 2017 và 2018, toàn huyện có trên 2.800 lao động qua biên giới làm thuê, trong số này, gần 2.000 lao động không có giấy tờ, tức là lao động chui.

Những bất cập theo phân tích của lực lượng chức năng liên quan đến quy định xuất, nhập cảnh là một khía cạnh. Trên thực tế, việc hạn chế, giảm dần tiến tới quản lý tốt lao động vượt biên trái phép đi làm thuê bên kia biên giới đang đặt ra không ít khó khăn thách thức cho cấp ủy, chính quyền sở tại.

Giấy thông hành xuất, nhập cảnh chỉ có thời hạn 15 ngày trong khi công việc của những người làm thuê bên kia biên giới thường kéo dài vài tháng.

Với trên 51% số hộ thuộc diện hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người ở xã Hoàng Thu Phố, huyện Bắc Hà chỉ trên 14 triệu đồng/năm. Vậy nên, việc vận động canh tác lúa, ngô, hay nuôi gia súc để thoát nghèo chưa thực sự hấp dẫn, thuyết phục được bà con người Mông nơi đây. Chính vì vậy, Hoàng Thu Phố đang là điểm nóng của huyện Bắc Hà về tình trạng lao động tự ý vượt biên trái phép đi làm thuê. Lợi ích về kinh tế khi có thu nhập cao hơn ở nhà là thực tế, tuy nhiên, khó khăn mà địa phương này gặp phải thì không dừng lại ở đây khi mà rất nhiều gia đình đi làm thuê bỏ bê con cái, việc học hành của các em bị ảnh hưởng rất nhiều.

Tính chung trên địa bàn huyện Bắc Hà, tổng số lao động của địa phương qua biên giới làm việc trong 2 năm 2017, 2018 là 5.296 lượt người (trong đó trên 90% là người dân tộc thiểu số). Con số này cao nhất tỉnh. Cụ thể, năm 2017 số lao động xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm việc là trên 2.100 người; năm 2018 là trên 3.200 người, tăng hơn 1.000 người. Mặc dù đã triển khai nhiều giải pháp trong tuyên truyền vận động, tuy nhiên, tình trạng này vẫn chưa được kiểm soát.

Hay như tại xã Thanh Bình, huyện Mường Khương, theo thống kê mỗi hộ dân ở địa phương này bình quân có 0,6 ha chè. Tuy nhiên, trồng chè thì giá bấp bênh, tiêu thụ không ổn định, còn canh tác ngô thì giá trị không cao, nên việc vận động để bà con bám bản, không bỏ làng ra đi là rất khó khăn.

Những gì đang diễn ra cho thấy nhu cầu lao động, việc làm có thu nhập cao là chính đáng đối với bà con, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, nơi mà điều kiện canh tác, khí hậu khắc nghiệt, thiếu nước, đất sản xuất còn phổ biến. Vậy, giải pháp nào để vừa đảm bảo việc làm, thu nhập, vừa quản lý, bảo vệ tốt công dân là vấn đề rất cần được quan tâm lúc này. Kỳ 3 của phóng sự chúng tôi sẽ tiếp tục đề cập chủ đề này.

Phương Liên


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết