Làm gì để bảo vệ công dân Việt bên kia biên giới? (kỳ 3)

16:08 11-03-2019 | :199

Laocaitv.vn - Lao động chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số tự ý vượt biên trái phép đi làm thuê là vấn đề xã hội nhức nhối. Tuy nhiên, thực trạng này không thể giải quyết trong một sớm, một chiều, bởi nó liên quan trực tiếp đến mưu sinh của hàng nghìn người. Hiểu đúng và có cách làm, bước đi phù hợp là rất cần thiết. Vấn đề quan trọng nhất trong lúc này không phải là ngăn chặn, mà cần có cơ sở pháp lý để bảo vệ công dân Việt.

Cần một giải pháp tổng thể để bảo vệ công dân

9h sáng, tại Cửa khẩu Hóa Chư Phùng, địa bàn quản lý của Đồn Biên phòng Si Ma Cai, 1 nhóm người dân địa phương đã có mặt chờ đò để qua bên kia biên giới làm thuê. Qua trò chuyện chúng tôi được biết, tất cả họ đều mang theo giấy thông hành, đây không những là giấy tờ hợp lệ để qua lại biên giới, mà nó thực sự là "lá chắn" để phòng thân, người lao động sẽ được bảo vệ khi có bất trắc xảy ra. 

Với kinh nghiệm của mình, Đại úy Nguyễn Văn Huệ, Chính trị viên Đồn Biên phòng Si Ma Cai cho rằng, để người dân ý thức được việc khi qua bên kia biên giới phải có giấy thông hành là không dễ. Nhưng điều này không có nghĩa là không thực hiện được, mà quan trọng nhất vẫn phải làm tốt công tác tuyên truyền đến người dân; đồng thời, nắm chắc địa bàn, xu hướng biến động dân cư để quản lý. Bên cạnh đó, ngành chức năng, cấp ủy, chính quyền địa phương cần có sự phối hợp tốt, tạo điều kiện, hướng dẫn bà con làm thủ tục được nhanh chóng, thuận lợi. "Tuyên truyền vận động nhân dân nâng cao ý thức, làm giấy thông hành qua khu vực biên giới. Khi có giấy thông hành, ở bên Trung Quốc nếu có vấn đề liên quan đến công dân Việt Nam sẽ được Nhà nước bảo hộ, phối hợp với lực lượng bảo vệ biên giới Trung Quốc tìm cách tháo gỡ", Đại úy Nguyễn Văn Huệ cho biết thêm.

Lực lượng chức năng kiểm tra xuất, nhập cảnh tại Cửa khẩu Hóa Chư Phùng, Si Ma Cai.

Khi nhận thức của bà con còn hạn chế, bên cạnh công tác tuyên truyền, tăng cường quản lý, thì việc thường xuyên cảnh báo đến người lao động những hệ lụy có thế xảy ra là rất cần thiết. Trung tá Giàng A Lử, Phó trưởng Công an huyện Mường Khương cho rằng, người dân cần tìm hiểu kỹ chính sách của Việt Nam và Trung Quốc về lao động làm thuê để giảm thiểu rủi ro; khi sang nước bạn làm thuê ít nhất cũng phải có giấy thông hành hay hộ chiếu.

Trên thực tế, việc tạo sinh kế bền vững cho người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số ở những vùng khó khăn để họ có thể yên tâm làm ăn, sinh sống trên đồng đất quê hương mình là giải pháp mang tính bền vững. Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả đòi hỏi phải có cả một quá trình, từ nguồn lực đầu tư của Đảng, Nhà nước đến quyết tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, đặc biệt là nỗ lực từ mỗi người dân. Câu chuyện của gần 50 hộ người Mông ở nhóm Khẩu Cồ, xã Bản Cầm, huyện Bảo Thắng là một ví dụ.

Những năm trước, mỗi năm trung bình có từ 60 đến 70 lao động của Khẩu Cồ rời bản đi làm thuê bằng con đường vượt biên trái phép. Nhận thức rõ thực trạng này, cấp ủy, chính quyền xã Bản Cầm đã triển khai nhiều giải pháp, từ đẩy mạnh tuyên truyền vận động, đến vấn đề mấu chốt là tạo sinh kế bền vững để bà con yên tâm làm ăn. Đối với những người có nhu cầu đi làm thêm để tăng thu nhập, địa phương hướng dẫn, tư vấn cho họ đi theo các con đường hợp pháp. Kết quả là từ chỗ có tới 70 trường hợp vượt biên trái phép đi làm thuê, hiện nhóm Khẩu Cồ chỉ còn chưa đến 20 trường hợp. Ông Hoàng Văn Thái, Chủ tịch UBND xã Bản Cầm cho biết: "Người dân đã biết chuyển đổi cơ cấu cây trồng để đem lại thu nhập cao hơn và ổn định cuộc sống. Có một số lao động làm thuê cho doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng trên địa bàn. Điều này đã hạn chế lao động xuất cảnh trái phép đi làm thuê".

Để hạn chế tình trạng lao động vượt biên trái phép đi làm thuê, theo lãnh đạo các địa phương, bên cạnh giải pháp tuyên truyền, quản lý địa bàn thì thiết thực nhất vẫn phải đẩy mạnh việc thực hiện các chính sách ở tầm vĩ mô. Ông Đoàn Ngọc Tuyến, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Hà cho biết: "Cần phải hỗ trợ về mặt tư pháp cho người dân; chú trọng đào tạo nghề, tạo việc làm cho người lao động; triển khai có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, tập trung hỗ trợ sản xuất, cây con giống, tạo công ăn việc làm cũng như tăng năng suất lao động cho người dân".

Bên cạnh các giải pháp về sinh kế mang tính lâu dài, trước mắt, lãnh đạo ngành chức năng, các địa phương tuyến biên giới của Lào Cai cũng kiến nghị Trung ương cần nghiên cứu, tăng cường trao đổi thông tin, hội đàm ở cấp Chính phủ hai nước xung quanh vấn đề về lao động, việc làm. Bởi trong điều kiện hội nhập sâu rộng như hiện nay, nhu cầu việc làm ngày càng rộng mở, thì làm việc trong nước hay nước ngoài của bà con đều chính đáng. Hơn nữa, đối với một bộ phận doanh nghiệp ở các địa phương của Trung Quốc, tiêu chí tuyển dụng lao động của họ không quá khắt khe. Đây có thể coi là cơ hội, bởi rất phù hợp với trình độ lao động phổ thông trong vùng đồng bào dân tộc ở một số tỉnh khu vực biên giới, trong đó có Lào Cai. Chính vì vậy, đi đến một sự thống nhất giữa 2 Chính phủ thông qua con đường ngoại giao về lao động, việc làm với một chính sách thông thoáng hơn, cởi mở hơn sẽ là rất cần thiết để đảm bảo quyền, lợi ích cũng như vấn đề bảo hộ công dân Việt Nam qua Trung Quốc làm việc.

Chúng tôi xin đươc kết thúc phóng sự này bằng câu chuyện về sự trở về của vợ chồng anh Vàng Seo Nhà, nhóm Khẩu Cồ, thôn Bản Cầm, xã Bản Cầm, huyện Bảo Thắng. Từ chỗ cả 2 vợ chồng để lại 4 con nhỏ để sang Trung Quốc làm thuê trái phép, hiện anh và vợ đã về bản được hơn 1 năm. Với 3 con trâu sinh sản, trên 2 ha rừng, một đồi chuối khá rộng sắp cho thu quả cùng ít sào ruộng nước, anh Nhà đã không còn ý định sang Trung Quốc làm thuê. "Với công việc ở nhà ổn định tôi không có ý định sẽ đi làm thuê nữa. Ở nhà phát triển kinh tế, nuôi dạy con cái ăn học cho tốt", anh Nhà chia sẻ. 

Phương Liên


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết