Mở rộng vùng dược liệu từ mô hình thử nghiệm ở Trịnh Tường

08:50 05-06-2019 | :821

Laocaitv.vn - Sau 2 năm triển khai mô hình thử nghiệm nghiên cứu, phát triển một số loại dược liệu đặc hữu của tỉnh Lào Cai tại xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát, mô hình này bước đầu đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Với sự dày công nghiên cứu, áp dụng đúng quy trình, kỹ thuật chăm sóc, đặc biệt là lựa chọn địa điểm trồng thích hợp, cây dược liệu đã chứng minh được thế mạnh của mình, trở thành cây trồng cho giá trị kinh tế cao và được địa phương nhân rộng. 

Mô hình thử nghiệm nghiên cứu, phát triển một số loại dược liệu đặc hữu của tỉnh Lào Cai do bà Nguyễn Thị Tần, giảng viên Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại Lào Cai cùng cộng sự triển khai tại xã Trịnh Tường từ năm 2017; đây là mô hình nằm trong các dự án về nông nghiệp có sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước nhằm phát huy thế mạnh cây trồng ở một số địa phương trong tỉnh. Để tổ chức thực hiện, nhóm nghiên cứu đã phối hợp với huyện Bát Xát, cấp ủy, chính quyền xã Trịnh Tường và người dân sở tại. Hiện, mô hình này đang nghiên cứu, triển khai trồng 5 loại dược liệu và đã đạt thành công bước đầu; cây dược liệu được trồng trên đất ruộng 1 vụ, theo hình thức thuê đất và thuê nhân công lao động từ người dân địa phương. Ở độ cao 1.400m, nơi có khí hậu mát mẻ, đất thịt nhẹ được đánh giá phù hợp để trồng dược liệu; qua thực tế cho thấy cây dược liệu trồng ở đây sinh trưởng, phát triển tốt, củ đạt tiêu chuẩn chất lượng và đã cho thu hoạch.

Mô hình trồng thử nghiệm một số loại cây dược liệu ở xã Trịnh Tường. (Ảnh: Phương Liên)

Thành công bước đầu của mô hình không dừng ở vùng nguyên liệu tốt, cho thu hoạch với giá trị kinh tế cao mà trước khi triển khai, nhóm nghiên cứu đã kết nối được thị trường tiêu thụ. Một số loại như: Bạch chỉ, vân mộc hương, tục đoạn… đã được các công ty dược có uy tín trong nước thu mua và hiện nguồn cung không đủ cầu. Điều quan trọng là trong quá trình triển khai dự án, nhóm nghiên cứu đã tiến hành tập huấn, trực tiếp làm và hướng dẫn bà con địa phương từ cách trồng, chăm sóc, thu hoạch sản phẩm theo đúng quy trình của vùng nguyên liệu sạch. Sau khi được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn, anh Lý Xe Suy, thôn Lao Chải, xã Trịnh Tường cho biết, từ quy trình trồng, làm cỏ, bón phân đến chăm sóc cây dược liệu đã được anh thực hiện khá thành thạo và tự tin để có thể tự trồng ở quy mô hộ gia đình.

Người dân Trịnh Tường tham gia trồng cây dược liệu. (Ảnh: Phương Liên)

Lãnh đạo chính quyền xã Trịnh Tường cũng khẳng định, việc triển khai mô hình thí điểm phát triển dược liệu không những đảm bảo việc làm, thu nhập trước mắt cho người dân địa phương, mà người dân học tập được cách làm qua thực tế là rất bổ ích. Đây là cơ sở để địa phương này khuyến khích, chuyển đổi một phần diện tích đất nông nghiệp ở những nơi có điều kiện phù hợp sang trồng dược liệu trong thời gian tới. Hiện tại, Trịnh Tường đã mở rộng vùng dược liệu được khoảng 10 ha tại một số thôn vùng cao. Ông Lý Văn Sỉn, Phó Chủ tịch UBND xã Trịnh Tường cho biết: "Trong thời gian tới, địa phương sẽ xem xét để mở rộng vùng trồng cây dược liệu, vận động người dân góp đất cùng trồng dược liệu với doanh nghiệp để học hỏi, tích lũy kinh nghiệm".

Dược liệu được xác định là thế mạnh của Trịnh Tường trong chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển kinh tế cho bà con tại một số thôn. Các cây trồng chính như: Đương quy, cát cánh, bạch truật đang được nhân rộng ở Trịnh Tường. Bên cạnh đó, các loại cây truyền thống như: Thảo quả, xuyên khung cũng được duy trì. Dược liệu đang trở thành hướng đi mới trong phát triển kinh tế, mang lại việc làm, thu nhập, đẩy nhanh tiến độ xóa đói giảm nghèo cho người dân ở địa bàn vùng cao biên giới này.

Phương Liên


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết