Nghề may trang phục ở xã biên giới Sán Chải

16:34 19-01-2024 | :245

Laocaitv.vn - Trong cuộc sống hiện đại, một số giá trị văn hóa truyền thống bị mai một, tuy nhiên, với đồng bào các dân tộc thiểu số của Lào Cai, việc lưu giữ, bảo tồn vẫn được coi trọng. Điển hình như đồng bào Mông ở huyện vùng cao Si Ma Cai, không chỉ quan tâm lưu giữ khá nguyên vẹn nghề thêu, may trang phục truyền thống, mà đây còn là nghề đem lại thu nhập cho gia đình. Ghi nhận tại xã vùng cao, biên giới Sán Chải, huyện Si Ma Cai. 

Chị Ly Thị Sung có thu nhập ổn định từ nghề thêu truyền thống.

Trong ngôi nhà trình tường, chị Ly Thị Sung say sưa với từng đường kim, mũi chỉ cho chiếc áo Mông truyền thống của dân tộc mình, để kịp trả cho khách diện dịp tết. Từ hình xoắn ốc, ruộng bậc thang, hay núi đồi... đều được chị thêu rất cẩn thận. Theo nghề từ khi mới 15 tuổi, những chiếc áo do chị Sung thêu, may luôn được bà con yêu thích, giá bán trung bình từ 1,2 – 1,5 triệu đồng cũng mang lại nguồn thu tốt để chị yên tâm gắn bó với nghề truyền thống. Chị Ly Thị Sung, thôn Hòa Bình, xã Sán Chải, huyện Si Ma Cai chia sẻ: “Bây giờ, mình không làm gì thì 1 tuần mình có thể làm được tầm 4 - 5 cái. Thời điểm này, người mua nhiều hơn và được giá hơn”.

Với xu thế trang phục Mông cách tân, may trang phục cũng trở thành nghề chính đối với gia đình chị Cư Thị Sung và hơn 10 hộ gia đình ở thôn Lao Chải. Đáp ứng nhu cầu thị trường dịp tết, dịp này, mỗi ngày, gia đình chị Cư Thị Sung có từ 5 - 6 người tham gia các công đoạn từ thiết kế, cắt vải, xâu hạt đến thêu, may… Chị Cư Thị Sung, thôn Lao Chải, xã Sán Chải, huyện Si Ma Cai cho biết: “Bây giờ đến tết rồi thì mình phải thuê thêm người làm thì mới làm được nhiều. Sau khi đi chợ về thì mình tập trung vào thêu, may, thời gian ngủ cũng không có mấy”.

Gia đình chị Cư Thị Sung đang tập trung may trang phục để trả cho khách. 

Là một trong những địa phương nổi tiếng với nghề thêu, may trang phục Mông, xã Sán Chải có 25 hộ tại 4 thôn, bản tham gia thêu, may trang phục truyền thống và trang phục cách tân. Là làng nghề có hàng trăm năm tuổi, trang phục của đồng bào Mông nơi đây làm ra không chỉ bán tại địa phương mà còn xuất bán đi nhiều tỉnh như Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La và một số tỉnh miền Trung, Tây Nguyên như Đắc Nông, Lâm Đồng. Bà Vàng Thị Dí, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Sán Chải, huyện Si Ma Cai cho biết: “Chị em thu nhập được từ 70 – 100 triệu đồng/năm, cũng giúp đỡ được gia đình và một số chị em khó khăn có việc làm. Mong muốn thời gian tới sẽ được Nhà nước hỗ trợ thành lập tổ may mặc thổ cẩm và có đầu vào thì sẽ có đầu ra để chị em yên tâm sản xuất”.

Trang phục truyền thống là nét văn hóa riêng của mỗi dân tộc, luôn trường tồn cùng với thời gian. Quan tâm gìn giữ những giá trị văn hóa này chính là cách người Mông ở Sán Chải gìn giữ hồn cốt của dân tộc mình./.

Thào Sếnh

 

Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết