Nơi tình yêu thương khơi nguồn tri thức

14:43 08-05-2019 | :611

Laocaitv.vn - Đưa con chữ đến với trẻ ở vùng đặc biệt khó khăn luôn là một thách thức lớn đối với mỗi thầy giáo, cô giáo đang công tác ở những thôn bản vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, bằng tình yêu nghề, yêu thương con trẻ, mỗi thầy cô đều có cách riêng của mình để vượt qua khó khăn, trở ngại. Chúng tôi đang muốn nói đến nỗ lực của các thầy cô công tác tại điểm trường thôn Tùn Trên, xã Dương Quỳ, huyện Văn Bàn. Nơi mà những gian truân từ con đường về bản không cản được bước chân của những người thầy.

"Chẳng đâu bằng chính nhà em 
Có đàn chim sẻ bên thềm líu lo

Có nàng gà mái hoa mơ 
Cục ta, cục tác, khi đã đẻ xong 
    Có bà chuối mật lưng ong 
Có ông ngô bắp râu hồng như tơ 
    Có ao muống với cá cờ 
Em là chị Tấm đợi chờ bống lên 
    Có đầm ngào ngạt hoa sen 
Ếch con học nhạc, dế mèn làm thơ 
    Dù đi xa thật là xa 
Chẳng đâu vui được như nhà của em" - Đoàn Thị Lam Luyến

Những âm thanh trong trẻo, nhưng cũng thật nhiều cảm xúc trong bài thơ “Em yêu nhà em” do các trẻ mầm non ở bản Tùn Trên cất lên giữa khung cảnh bao quanh là núi rừng mang đến cho chúng tôi một cảm giác vô cùng gần gũi, thân thương. Lớp mầm non của cô giáo Lục Thị Hoài Thanh có 30 trẻ, gồm đủ các lứa tuổi, bé nhỏ nhất mới hơn 1 tuổi, bé lớn nhất đã sang tuổi thứ 5 và tháng 9 tới đây sẽ bước vào lớp 1. Lớp học gọn gàng ngăn nắp, các bé rất ngoan, nề nếp, biết nghe lời cô và trông thật đáng yêu trong những bộ quần áo tươm tất. Chừng ấy thôi nhưng đó là cả một nỗ lực lớn, thậm chí là sự hy sinh của cô giáo có tuổi đời chưa đến 30.

Lớp học của cô giáo Thanh tại điểm trường Tùn Trên. (Ảnh: Phương Liên)

Bản Tùn Trên cách trung tâm xã Dương Quỳ 9 km, đây là thôn thuộc diện đặc biệt khó khăn của xã. Sau nhiều nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương, cuộc sống của người Dao ở Tùn Trên đang đổi thay từng ngày, tỷ lệ hộ gia đình có kinh tế khá ngày một tăng bởi người Dao trong thôn luôn đoàn kết nghe theo Đảng, nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất mà bà con ở Tùn Trên cũng như 2 thôn cận kề đang phải đối mặt đó chính là con đường về bản. Con đường này cũng là nguyên nhân chính dẫn đến những trở ngại trong việc dạy và học của thầy trò nơi đây. Đã có gần chục năm theo nghề, 6 năm gắn bó với con trẻ ở bản Tùn Trên, cô Thanh hiểu hơn ai hết những khó khăn, nhọc nhằn của một người giáo viên cắm bản. Nhà ở thị trấn Khánh Yên, cách điểm trường 25 km thì có đến gần 10 km là cung đường mà nhiều người dân ở Dương Quỳ vẫn nói là thách thức tay lái của mỗi người khi đến với Tùn Trên. Đoạn đất thì lởm chởm, lầy lội khi trời mưa, đoạn thì đá hộc chỉ chực hất văng bánh xe, nhiều đoạn qua suối hay dốc dựng ngược khiến cho những người lần đầu đến Tùn Trên như chúng tôi cảm thấy rợn người. Cũng chính những trở ngại trên mà cung đường chưa đầy 10 km nhưng chúng tôi phải mất cả gần 1 giờ đồng hồ mới tới được. Đấy là trời nắng, còn trời mưa theo lời kể của cô Thanh thì các cô chỉ còn nước khóc; nhiều hôm phải dựng xe lại giữa đường, gùi ba lô để cuốc bộ đến điểm trường. Chuyện ngã xe, quần áo đầy bùn đất là điều thường xuyên xảy ra đối với cô Lục Thị Hoài Thanh.

Cung đường thách thức tay lái của mỗi người khi đến với Tùn Trên. (Ảnh: Phương Liên) 

Điểm trường Tùn Trên có 2 lớp, tổng cộng chưa đến 50 học sinh, tất cả các bé đều là con em của đồng bào dân tộc Dao ở bản Tùn Trên. Lớp cô Thanh ghép các bé từ 1 đến 5 tuổi bậc mầm non, còn lớp do thầy Hưởng phụ trách có gần 20 em lớp 1 và lớp 2. Cô Thanh cũng cho biết, vất vả về con đường nhưng bù lại, các bé ở điểm trường này đều chăm ngoan, phụ huynh có ý thức cho con đi học đầy đủ. Tuy nhiên, để duy trì được nề nếp như hiện nay, thầy cô cũng đã rất cố gắng trong công tác tuyên truyền vận động phụ huynh; gắn bó và để phụ huynh yên tâm cho con theo học, các bé thích đến trường, thầy cô phải hiểu phong tục tập quán, thói quen sinh hoạt, đặc biệt là phong tục kiêng kỵ của đồng bào. Trong năm, người Dao có nhiều ngày kiêng như kiêng sấm, kiêng hổ, kiêng gió… Đơn cử như vào ngày 1/3 âm lịch, bà con kiêng sấm, lớp sẽ không quét nhà, sáng sớm mọi người không được đi xe máy đến trường và không được đánh trống. Những phong tục này các cô đều nắm được và điều chỉnh để việc dạy và học không bị ảnh hưởng. Chính vì sự thấu hiểu và chia sẻ nên các thầy cô đã nhận được sự ủng hộ tích cực của phụ huynh trong việc đưa trẻ đến lớp. Ông Triệu Vạn Ngân – người dân bản Tùn Trên cho biết, trước kia là con ông, còn bây giờ là cháu nội đang theo học tại điểm trường này. Gia đình ông rất yên tâm khi gửi gắm con cháu bởi sự nhiệt tình, trách nhiệm của các thầy cô.

Bản Tùn Trên là nơi sinh sống của 57 hộ gia đình dân tộc Dao. Bù đắp cho tình yêu, những việc làm của các thầy cô vì con trẻ chính là sự chăm chỉ đến trường của các bé. 100% trẻ trong độ tuổi đều được đến trường và tỷ lệ chuyên cần ở các lứa tuổi đều đạt rất cao. Cô Thanh cho biết, tất cả các bé mầm non đến các em học sinh lớp 1, lớp 2 ở đây đều có một điểm chung là rất thích được đến trường.

Có một điều đặc biệt nữa ở điểm trường Tùn Trên đó là bên cạnh việc dạy học, các thầy cô còn kiêm thêm nhiệm vụ đảm bảo hậu cần cho cả 2 lớp học. Nấu ăn cho các con đã có phụ huynh cùng phụ giúp, nhưng nguồn thực phẩm thì phải mang từ chợ huyện lên. Chính vì vậy, mỗi ngày cô Thanh đều phải dậy từ rất sớm để đi mua hàng và lên đường trên chiếc xe máy quen thuộc của mình để đến với các con. Trách nhiệm, tâm huyết, tình yêu trẻ của cô Thanh, thầy Hưởng – những người gắn bó với sự học của con em ở bản Tùn Trên đã và đang tiếp tục xây dựng hình ảnh đẹp về những thầy, cô giáo cắm bản, hết lòng vì học sinh thân yêu./.

Phương Liên


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết