Blouse trắng nơi đầu sóng

10:08 27-02-2019 | :746

Laocaitv.vn - Vùng biển đảo Trường Sa đã từ lâu gắn liền với cuộc mưu sinh của hàng ngàn ngư dân ven biển miền Trung. Mỗi chuyến đánh bắt xa bờ của ngư dân kéo dài cả tháng trời. Sóng to, gió lớn và hàng ngàn mối nguy đe dọa trực tiếp đến sinh mệnh của ngư dân giữa mênh mông biển khơi. Bởi vậy, sự hiện diện của những trạm y tế ở các đảo Trường Sa được ví như là “điểm tựa” giúp người dân yên tâm bám biển.

Ngày 15/7, tàu cá mang số hiệu 97688 của ngư dân tỉnh Bình Thuận bị nạn khi đánh bắt cá tại ngư trường thuộc quần đảo Trường Sa. Có 2 ngư dân bị tai nạn được đưa đến đảo Thuyền Trài A, trong đó anh Lê Văn Tình sinh năm 1989 đang trong tình trạng nguy kịch với chấn thương vùng kín, sai khớp háng bên phải, người bất tỉnh hoàn toàn, huyết áp bằng 0. Trong khi đó, điều kiện trang thiết bị tại đảo thiếu thốn, không đủ điều kiện cứu chữa cho ngư dân trên biển. Ngay lúc ấy, bác sỹ, thiếu tá Trịnh Văn Tuấn xin ý kiến chỉ đạo từ bệnh viện 175 cùng với Chủ nhiệm quân y Vùng 4 tổ chức cấp cứu tại chỗ. Cấp cứu từ 6h30 phút sáng, đến 16h giờ chiều bệnh nhân mới thoát sốc, qua cơn nguy kịch. Tuy nhiên, vấn đề lúc này là anh Tình chảy máu trong ổ bụng, ruột bị đứt nhiều đoạn, tiên lượng xấu. Sau khi hội ý, bác sỹ Tuấn cùng anh em trên đảo đã quyết định dùng cơ số thuốc dự trữ chỉ được dùng trong chiến đấu để cấp cứu hỗ trợ chống sốc cho bệnh nhân. Nhờ xử lý nhanh, tình trạng bệnh nhân phục hồi tích cực và sáng hôm sau được vận chuyển bằng máy bay trực thăng vào bờ. “Trong điều kiện cấp cứu ca bệnh khó, đòi hỏi bác sĩ quân y phải đưa ra quyết định nhanh, chính xác, phải có sự phối hợp tốt với các bệnh viện tuyến trên”- bác sĩ Tuấn nói.

Tháng 6/2018, trong quá trình tuần tra, cán bộ, chiến sĩ đảo An Bang (quần đảo Trường Sa) phát hiện ra một chiếc tàu đánh cá của ngư dân Quảng Ngãi đang chìm cách đảo An Bang 2 hải lý. Ngay lập tức, đơn vị đã phát tín hiệu để các tàu đánh bắt cá trong khu vực cùng phối hợp để tiến hành cứu giúp tàu gặp nạn. Mặc dù trong điều kiện thời tiết xấu, sóng cấp 5-6, nhưng cán bộ, chiến sĩ đã tiến hành cứu giúp thành công 31 ngư dân trước khi tàu chìm. Các ngư dân được đưa lên đảo an toàn và được chăm sóc y tế, cung cấp lương thực, quần áo miễn phí trong thời gian hơn 1 tuần cư trú tại đảo. Thiếu tá Hoàng Văn Minh, Chính trị viên đảo An Bang chia sẻ: “Mỗi ca gác, mỗi chuyến đi tuần, chúng tôi đều hướng về ngư dân ở nơi đầu sóng, mọi tín hiệu từ ngư dân đều không bị bỏ sót. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, việc cứu chữa cho ngư dân gặp nạn luôn là ưu tiên số một”.

Trung tâm y tế thị trấn Trường Sa được trang bị đầy đủ các trang thiết bị hiện đại không thua kém gì đất liền.

Thời gian qua, Trung tâm Y tế thị trấn Trường Sa được đầu tư về trang thiết bị một cách bài bản, đồng bộ chẳng thua kém gì đất liền như máy chụp X-quang, siêu âm, xét nghiệm, điện tim… Bên cạnh đó, đơn vị còn có hệ thống chẩn đoán qua vệ tinh (Telecom Medicene), kết nối trực tiếp với bệnh viện 175, 108, 103 sẵn sàng thực hiện những ca khó. Qua đó, công tác thăm khám, cấp cứu, chữa bệnh, điều trị cho người dân, ngư dân, cán bộ, chiến sỹ được cải thiện và nâng cao một cách rõ rệt. Nhiều trường hợp bệnh sau khi được cấp cứu kịp thời tại đây khi chuyển về đất liền đã được đảm bảo an toàn về tính mạng, sức khoẻ có nhiều chuyển biến tích cực. Thượng úy, bác sĩ Lê Ngọc Dương có hơn 1 năm gắn bó với Trung tâm y tế huyện Trường Sa chia sẻ: “Mặc dù cả Trung tâm chỉ có 3 bác sĩ chuyên khoa, nhưng chúng tôi phải đảm nhận tất cả các công việc từ khoa nội đến khoa ngoại. Cứ mỗi ca cấp cứu, chúng tôi ngồi lại với nhau để cùng bàn bạc đưa ra những chẩn đoán lâm sàng rồi xin ý kiến chỉ đạo trực tiếp của bệnh viện tuyến trên, sau đó sẽ tiến hành phẫu thuật. Áp lực, căng thẳng là những cảm giác trong những trường hợp như vậy”. 

Cấp cứu, khám chữa bệnh miễn phí cho ngư dân đánh bắt xa bờ.

Trong những trường hợp khẩn cấp nếu không có sự giúp đỡ kịp thời của cán bộ, chiến sĩ các đảo thì rất có thể họ phải bỏ lại tính mạng giữa đại dương mênh mông. Giữa ngàn khơi muôn trùng sóng gió, ngư dân luôn biết ơn tấm lòng "lương y như từ mẫu" của đội ngũ y, bác sỹ nơi đây. Đối với họ, bệnh nhân là ruột thịt, là anh em, là máu mủ, là đồng chí, đồng đội. Ngư dân rất tin tưởng đối với đảo, hầu hết được vào đảo để điều trị, coi đảo là chỗ dựa để họ yên tâm bám biển. Bệnh nhân Nguyễn Thế Thành, ngư dân đang được điều trị tại Trung tâm Y tế thị trấn Trường Sa chia sẻ: "Nhờ được sự quan tâm, chăm sóc nhiệt tình của các y, bác sỹ ở đây mà tình hình sức khoẻ của anh được cải thiện một cách đáng kể. Ngoài ra, các y, bác sỹ ở đây còn trực tiếp nhường một phần khẩu phần ăn của mình để giúp các bệnh nhân điều trị nội trú bổ sung chất dinh dưỡng, nhanh chóng phục hồi sức khỏe".

Sự hiện diện của các hòn đảo nơi đầu sóng là điểm tựa cho ngư dân.

Sự âm thầm cống hiến của các chiến sĩ khoác trên mình chiếc áo blouse trắng giữa muôn trùng sóng gió nơi Trường Sa thân yêu của Tổ quốc không chỉ khẳng định y đức cao cả, tình quân dân thắm thiết mà còn một lần nữa khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Giữa mênh mông biển nước, ngư dân không còn nỗi lo bơ vơ, không nơi tránh trú khi mưa bão, không còn nỗi lo khi ốm đau, rủi ro trong hành trình vươn khơi bám biển.

Bài, ảnh: Trung Kiên


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết