Tết xa nhà của người lính đảo

10:15 31-01-2019 | :4243

Laocaitv.vn - Sẽ không có người thân, bạn bè bên cạnh, không có những góc phố sôi động, không có pháo hoa đêm giao thừa… Tết với những người lính đảo luôn rất đặc biệt. Vì nhiệm vụ họ sẵn sàng gác lại tình cảm riêng tư, vững vàng tay súng để bảo vệ điểm tiền tiêu của Tổ quốc. Với các anh, việc đón tết ở Trường Sa vừa là niềm vinh dự, vừa là sứ mệnh thiêng liêng của người lính đảo.

> Bài 1: Nhật ký hành trình 1.000 hải lý đến Trường Sa

> Bài 2: Trường Sa - hành trình vượt sóng dữ mùa biển động

> Bài 3: "Thủ đô" giữa trùng khơi

> Bài 4: Đảo Đá Lát - vững vàng giữa khơi xa

Gác lại những “niềm riêng”

26 năm gắn với nghiệp lính, thiếu tá Phạm Văn Tâm - Chính trị viên cụm chiến đầu số 1, đảo Trường Sa Lớn không nhớ nổi mình đã có bao nhiêu cái tết xa nhà. Nước da đen sạm vì nắng gió của biển cả, khuôn mặt rắn rỏi, anh Tâm trông già hơn so với cái tuổi 45 của mình. Bên ly trà ngày cuối năm, anh Tâm say sưa kể cho chúng tôi về tổ ấm của mình ở quê nhà với giọng nói hào sảng, đầy khí phách như sóng biển. Tết đến, xuân về, người lính đảo dù có mạnh mẽ đến đâu cũng không tránh khỏi cảm giác nhớ gia đình, nhớ người thân. Nhưng dù nhớ đến đâu chắc chắn sẽ không có người vợ nào không vui khi chồng mình hoàn thành sứ mệnh với đất nước, điều đó đã trở thành sức mạnh cho mỗi người lính vượt qua nỗi nhớ để vững vàng tay súng canh giữ nơi tiền tiêu của Tổ quốc. Anh Tâm giơ chiếc điện thoại khoe từng tấm hình, anh nói: “Tất cả mọi người vẫn ở quanh chúng tôi. Mỗi bức hình, mỗi dòng nhắn gửi đều gắn với những kỷ niệm khó quên, là những món quà có ý nghĩa nhất để người lính vơi đi nỗi nhớ quê nhà. Để hoàn thành nhiệm vụ thì công lao của người lính chỉ là một nửa, còn lại phải do sự đóng góp nơi hậu phương. Gia đình là điểm tựa, là sức mạnh giúp chúng tôi yên tâm công tác”.

Những tấm thiệp, cánh thư từ “hậu phương” sẽ giúp người lính đảo vơi đi nỗi nhớ nhà.

Còn với những chàng tân binh thì đây sẽ là cái tết đầu tiên xa nhà của họ. Bỏ lại nỗi nhớ nơi hậu phương, những trái tim tuổi đôi mươi đang háo hức chứng kiến giây phút đất trời chuyển mình tại điểm tiền tiêu của Tổ quốc. Họ có chung niềm tự hào khi trở thành người lính đảo Trường Sa, tự hào khi mang trên mình trọng trách bảo vệ Tổ quốc nơi đầu sóng. Viết vài dòng vào cuốn sổ nhật ký, chiến sĩ trẻ Phan Vũ, quê Bình Dương vừa nhận nhiệm vụ tại đảo Trường Sa Lớn rưng rưng kể: “Ngày đầu ra đảo em rất nhớ nhà, nhất là lúc cùng đồng đội gói bánh chưng những ngày giáp tết. Nhưng với tình yêu thương đùm bọc của đồng đội, sự động viên của các cán bộ khiến nỗi nhớ đó nhanh chóng vơi đi. Chỉ có tình đồng chí, đồng đội, tình yêu biển đảo chúng em mới có thể vượt qua”.  

Đảo là nhà, biển cả là quê hương!

Hành trang của những chiến sĩ tuổi đôi mươi mang ra đảo xa, ngoài “ba lô, cây súng trên vai”, còn là khát vọng của tuổi trẻ quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Đó là nụ cười tươi tắn và tình yêu gửi lại hậu phương thân yêu của các chàng lính trẻ, đó là vòng tay yêu thương cùng lời nhắn nhủ “chân cứng đá mềm” của người thân tiễn các anh ra làm nhiệm vụ nơi đầu sóng ngọn gió… Mùa xuân đã về trên quần đảo Trường Sa theo những con tàu ra đảo. Nơi đảo xa, những người lính gửi theo những cánh sóng, những chuyến tàu trở về đất liền lời hứa chắc tay súng, vững niềm tin để hoàn thành nhiệm vụ. Chiến sĩ Nguyễn Văn Đạt, 19 tuổi, quê huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định, lần đầu tiên ăn tết ngoài đảo Đá Lát, một hòn đảo chìm thuộc quần đảo Trường Sa lại gợi cho chúng tôi hình ảnh một người lính cứng cỏi, mạnh mẽ: “Em được nghe nói đến quần đảo Trường Sa rất nhiều qua đài báo, em mong có một lần được ra đảo, được cầm súng bảo vệ Tổ quốc, giờ mong ước của em đã trở thành hiện thực. Lần đầu tiên ăn tết ngoài đảo, dù sao cũng có nhiều chạnh lòng về quê nhà, nhưng ở đảo xa, bên cạnh chúng em lại có một “gia đình lớn” mà ở đó có sự chia sẻ, động viên của những người anh, người chú và hơn hết chúng em có những đồng đội gắn bó thân thiết như anh em”.

Phút thư giãn của người lính đảo.

Tết nơi đầu sóng, ngọn gió dường như đến sớm hơn so với mọi nơi. Đó là khi các anh được đón nhận tấm lòng ấm áp của hậu phương hướng về hải đảo thông qua những chuyến tàu chở hàng tết ra đảo. Bên cạnh đó, những tình cảm, lời động viên từ hậu phương chứa đựng trong những cánh thư cũng đến được tay người lính đảo sẽ giúp các anh vơi đi nỗi nhớ nhà, vững vàng tay súng nơi phên dậu của Tổ quốc. Những hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao là những giây phút thư giãn, đem lại tiếng cười cho các anh. Chiến sĩ trẻ Lê Minh Nhí, quê ở thành phố cảng Hải Phòng đang thực hiện nhiệm vụ tại đảo Trường Sa Lớn tự nhận mình là đã trót “phải lòng” với hòn đảo này sau hơn 6 tháng đóng quân ở đây. Bên bếp lửa rực đỏ đang luộc nồi bánh chưng, em chia sẻ: “Gia đình thì ai cũng nhớ, nhưng nhiệm vụ là trên hết, đó là một công việc thiêng liêng và đối với em đó là niềm tự hào. Môi trường biển đảo khắc nghiệt sẽ giúp em rèn luyện được bản lĩnh và ý chí”. 

Những hoạt động giao lưu văn nghệ, thể thao là những giây phút thư giãn, đem lại tiếng cười cho người lính biển đảo.

Khẩu hiệu “Đảo là nhà, biển cả là quê hương” đã trở thành chân lý đối với những người lính đảo nơi đầu sóng ngọn gió. Cũng chính từ chân lý đó đã giúp các anh có những mùa xuân nồng ấm để vơi đi nỗi nhớ quê nhà, giữ trọn từng hòn đảo thiêng liêng của Tổ quốc./.

Bài, ảnh: Trung Kiên


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết