"Thủ đô" giữa trùng khơi

07:39 26-01-2019 | :1095

Laocaitv.vn - Sau 3 ngày, 2 đêm lên đênh trên biển, cuối cùng chúng tôi đã đến thị trấn Trường Sa, nơi được ví là “thủ đô” của huyện đảo Trường Sa. Đây là đảo duy nhất mà con tàu KN491 có thể neo được tại bến mà không phải “tăng bo” bằng cano. Mọi mệt mỏi sau một hải trình dài đều tan biến khi hiện ra trước mắt chúng tôi là một thị trấn xinh đẹp, với những công trình khang trang, những con đường bê tông được phủ kín bóng mát cây xanh. 

Bài 1: Cảng Cam Ranh - lắng đọng cảm xúc chuyến tàu cuối năm

Bài 2: Trường Sa - hành trình vượt sóng dữ mùa biển động

Cán bộ, chiến sĩ và người dân ở thị trấn Trường Sa đón tiếp đoàn công tác

Sau cái bắt tay thật chặt, sau sự tiếp đón trang trọng của cán bộ, chiễn sĩ cùng nhân dân trên thị trấn Trường Sa, chúng tôi dạo bước thăm quan hòn đảo. Giữa cái nắng chói chang, tại một góc của hòn đảo xinh đẹp này là một ngôi làng vốn bình dị như bao ngôi làng khác trên đất nước Việt Nam, không xe cộ ồn ào, không phố xá nhộn nhịp, không nỗi lo cơm áo gạo tiền… Có một nơi bình yên đến lạ.

Góc nhỏ bình yên của thị trấn Trường Sa

Ở đây điều kiện kinh tế của từng hộ gia đình không quá chênh lệch, các ngôi nhà không quá khác biệt. Ngoài tình làng nghĩa xóm, bao đời nay, họ cùng các chiến sĩ nơi đây vẫn hằng ngày bám biển và giữ đảo. Sắp đến tết, dường như không khí cũng sôi động hẳn lên, gia đình nào cũng tất bật, chuẩn bị những thứ cần thiết nhất để đón xuân. Trong ngôi nhà vừa được tu sửa, vẫn thơm mùi sơn mới, chị Võ Thị Song tiếp chúng tôi bằng một nụ cười tươi, chia sẻ: "Nói chung, so với đất liền thì đón tết ở đây cũng chẳng thiếu thứ gì, cũng có cây quất, cành mai, cũng gói bánh chưng, cũng có thịt lợn…". Những ngày tết các gia đình thay phiên tổ chức ăn tết ở từng nhà, rồi đến chung vui cùng các cán bộ, chiến sĩ trên đảo. Bà con xóm giềng và bộ đội thân tình như người trong một nhà. Hằng ngày, những người đàn ông vẫn bám biển ra khơi theo nghề chài lưới, còn những người phụ nữ ở nhà cần mẫn vá lưới và trồng rau, nuôi lợn. Cuộc sống ở đây cứ thế trôi đi từ ngày này qua ngày khác, không ồn ào, vội vã… Phương tiện giao thông “duy nhất” ở thị trấn Trường Sa là xe đạp, người dân sử dụng chủ yếu để đi dạo vào mỗi buổi chiều trên những con đường bê tông rợp bóng cây xanh nằm quanh đảo. Chị Song cho biết: "Ở đây tôi thấy rất yên tâm, mặc dù không đầy đủ như ngoài đất liền nhưng không khí ở đây trong lành lắm. Các cháu từ lúc mới đẻ ra không bao giờ đau ốm gì cả". Những đứa trẻ lớn lên, vô tư hồn nhiên và mạnh mẽ, chúng hàng ngày được đến trường vui chơi, học tập và được trang bị những kỹ năng để thích ứng với điều kiện khắc nghiệt nơi đầu sóng ngọn gió. Lớp học ở thị trấn Trường Sa rất đặc biệt, từ những em bé mầm non 3 tuổi cho đến cô cậu học sinh lớp 4, lớp 5 đều được học chung một lớp và dạy học ở một lớp học như thế đối với các thầy, cô chắc chắn chẳng bao giờ là dễ dàng cả. Đây là năm đầu tiên thầy giáo Bằng Hữu Tình, tình nguyện đến đảo Trường Sa công tác, với thầy, việc được “gieo chữ” ở nơi đảo xa vừa là niềm vinh dự, vừa là một trách nhiệm lớn lao. Hiểu rõ được sứ mệnh của mình, thầy giáo trẻ này đang dành tất cả những gì tốt nhất cho công việc “gieo chữ” ở nơi hải đảo xa xôi.

Thế hệ mầm non ở đảo Trường Sa Lớn

Cuộc sống yên bình của người dân ở thị trấn Trường Sa

Những năm qua, cả nước chung tay hướng về biển đảo thông qua chương trình “Góp đá xây Trường Sa”, nên cuộc sống của người dân thị trấn này đổi thay từng ngày. Máy lọc nước biển được đầu tư khiến câu chuyện thiếu nước ngọt giờ đây không còn là nỗi lo quá lớn đối với những cư dân vùng đảo. Điện cũng đã về đến từng nhà nhờ hệ thống năng lượng gió, năng lượng mặt trời khiến vùng quê này như “bừng sáng”, nhà nào cũng sắm sửa được ti vi, điện thoại để kết nối với đất liền. Bên cạnh đó, nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân, cán bộ chiến sĩ trên đảo, những năm qua, thị trấn Trường Sa được đầu tư đồng bộ nhiều thiết bị y tế  hiện đại chẳng thua gì đất liền. Từ máy X-quang, siêu âm đến việc mổ trực tuyến kết nối với những bệnh viện lớn như 108, 175… giúp người dân yên tâm sinh sống. Không chỉ đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho cư dân, cán bộ chiến sĩ trên đảo, nơi đây còn trở thành “điểm tựa” của những ngư dân đi biển, không ít trường hợp ngư dân gặp hiểm nguy đã được cứu sống kịp thời nhờ các thiết bị chuyên dụng hiện đại với đội ngũ bác sĩ chuyên khoa tay nghề cao tại Trung tâm y tế thị trấn Trường Sa.

Nơi đây còn có một ngôi chùa linh thiêng tồn tại từ bao đời nay và trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tâm linh của cư dân cũng như cán bộ chiến sĩ trên đảo. Thầy Thích Tâm Tánh, chủ trì chùa Trường Sa cho chúng tôi biết: "Từ nhiều đời nay, ngôi chùa chính là điểm tựa tinh thần là chốn tâm linh mà mọi người tìm đến để cầu mong sự chở che, cầu mong sóng yên, biển lặng, cầu mong hòa bình. Không chỉ có vậy, sự hiện hữu ngôi chùa này như cột mốc sống khẳng định chủ quyền không thể chối cãi ở nơi tiền tiêu của Tổ quốc". Được tận mắt chứng kiến những hình ảnh đẹp đẽ, bình dị nhưng cũng đầy sức sống tại nơi cách đất liền hàng trăm hải lý, với chúng tôi Trường Sa luôn rất gần, rất thân thuộc như bao làng quê khác của Việt Nam. Mặc cho nắng gió khắc nghiệt, mặc cho sóng biển gào thét… bầu trời ở đây vẫn xanh và những con người ở đây vẫn lạc quan, yêu đời.

Biển ngoài kia có thể không bình yên vì có những con sóng dữ. Nhưng ở nơi đây vẫn có các anh chiến sĩ ngày đêm vững vàng tay súng canh giữ vùng biển, vùng trời thiêng liêng của Tổ quốc. Để cho tiếng chuông chùa ngân nga, tiếng học bài ê a, tiếng gà gáy ban trưa… những âm thanh đó hàng ngày vang lên hòa cùng với tiếng sóng biển rì rào tạo nên khung cảnh về một vùng quê bình yên. 

                                                                                                             Bài, ảnh: Trung Kiên


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết