Ấn tượng những ngôi nhà hình nấm giữa bốn mùa mây phủ

10:20 08-12-2020 | :1713

Laocaitv.vn - Người Hà Nhì là một trong những dân tộc còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc và khác biệt. Do cư trú chủ yếu trên vùng núi cao nên người Hà Nhì rất giỏi canh tác trên đất dốc, có nhiều kinh nghiệm đào mương, dựng cọn, bắc máng lấy nước làm ruộng bậc thang và nhiều phong tục, tập quán đặc sắc khác. Nhưng có lẽ yếu tố hấp dẫn nhất khi đến với các bản làng của người Hà Nhì, xã Y Tý, huyện Bát Xát chính là những ngôi nhà trình tường hình nấm mọc lên giữa núi non bốn mùa mây phủ.

Những ngôi nhà hình nấm ở xã Y Tý, huyện Bát Xát.

Y Tý bốn mùa sương giăng, mây phủ, nơi có những ngôi nhà hình nấm đã thành thương hiệu. Nếu như người Kinh có câu tục ngữ “Làm nhà, lấy vợ, tậu trâu” để chỉ ba việc lớn của đời người, thì người Hà Nhì lại có câu “Lạ Khố Khố Hứ Chà” có nghĩa là ngôi nhà là quan trọng nhất. Ngày Thìn, theo quan niệm của người Hà Nhì là ngày tốt, ngày để gia chủ chọn nền nhà. Nghi lễ chọn nền nhà của người Hà Nhì ở Y Tý rất đơn giản nhưng lại là việc bắt buộc phải có trước khi đồng bào làm nhà. Sau khi chọn được ngày tốt, trước giờ đào móng, gia chủ và 1 người có uy tín trong thôn sẽ thực hiện nghi lễ động thổ. Việc chọn đá làm móng nhà cũng là việc quan trọng. Móng nhà trình tường được xếp bằng đá. Thường các móng nhà sẽ được xếp đá cao từ 50 cm đến 1 m. Công việc tiếp theo cũng cần đến người có nhiều kinh nghiệm, đó là chọn đất để trình tường nhà. Ông Ly Hờ Suy, người uy tín thôn Choản Thèn, xã Y Tý, huyện Bát Xát chia sẻ: “Muốn có một ngôi nhà trình tường, có tường vàng óng và bền thì phải chọn loại đất thịt có màu vàng, đỏ đặc biệt là phải có pha một ít đá vôi. Có như vậy tường nhà mới bền”.

Đất được đổ vào khuôn và đầm bằng chày gỗ cho chặt và chắc.

Để làm được một ngôi nhà trình tường phải tốn rất nhiều công sức và cả sự tài hoa, tỷ mẩn của những người thợ. Thời gian làm nhà thường kéo dài nhiều tháng, với hàng nghìn công lao động. Vì tường nhà của người Hà Nhì đều trình bằng đất nên chỉ làm trong mùa khô, khoảng từ tháng 8 đến tháng 12 âm lịch mới có thể thi công. Tường được trình rất công phu, quan trọng nhất là làm khuôn thẳng, chuẩn. Thông thường, khuôn rộng 60 cm, dài 2 - 2,5 m. Đất được đổ vào khuôn và đầm bằng chày gỗ cho chặt và chắc, làm sao khi rút khuôn ra tường phải vuông thành, sắc cạnh. Để các bức tường được phẳng vuông trên khuôn phải có dây treo để căn chỉnh. Ván khuôn cao khoảng 40 cm, khi trình xong mỗi lượt khuôn thì bà con sẽ tháo khuôn, đặt khuôn lên tầng tiếp theo rồi đổ đất giã cho kết dính thật chặt với lượt tầng vừa làm xong. Thường mỗi ngôi nhà làm cao 5 - 6 lượt ván khuôn là vừa đủ. Trong quá trình trình tường nhà, người Hà Nhì sẽ cho thêm các khối đá tảng nhằm tạo thêm sự chắc chắn cho bức tường. Công đoạn tiếp theo, người Hà Nhì sẽ dùng táp để làm cho mặt tường phẳng và bóng, trong công đoạn này khó nhất là khâu tạo góc. Anh Chu Che Xá, thôn Choản Thèn, xã Y Tý, huyện Bát Xát cho biết: “Lúc đầu mới trình tường sẽ không được phẳng, sau khi bỏ khuôn ra phải dùng táp để đập tạo mặt phẳng đều đẹp”.

Công đoạn dùng táp để làm cho mặt tường phẳng và bóng.

Trình xong tường bao, đồng bào lấy gỗ kháo hoặc dổi làm khung nhà bên trong tường đất và lợp mái. Độ bền của những bức tường đất này có thể sánh ngang với bê tông cốt thép. Trong bản làng của người Hà Nhì ở Y Tý có những ngôi nhà đã được làm từ cách đây 70 - 80 năm nhưng tường trình vẫn rất vững chắc. Ông Ly Hờ Suy, người uy tín thôn Choản Thèn, xã Y Tý, huyện Bát Xát cho biết thêm: “Những ngôi nhà trình tường tùy vào người chăm sóc, phải bảo quản cho tốt không cho ướt nếu bị mưa ướt thì sẽ không giữ được lâu. Nếu giữ được tốt thì phải được đến 40 – 50 năm nhà vẫn chưa hỏng”.

Ở Y Tý có những ngôi nhà đã được làm từ cách đây 70 - 80 năm nhưng tường trình vẫn rất vững chắc.

Những ngôi nhà trình tường truyền thống của người Hà Nhì thoạt nhìn đã tạo ấn tượng, vì vẻ bề ngoài rất độc đáo của nó. Nhìn từ xa, chúng như những cây nấm khổng lồ mọc trên sườn núi. Giờ đây, đường lên Y Tý đã thuận lợi hơn trước nên vùng đất này đang được huyện Bát Xát tập trung đầu tư để phát triển du lịch. Và những ngôi nhà trình tường chính là “đặc sản” riêng có của vùng đất ngàn mây níu giữ du khách khi đến nơi đây.

Đức Tính - Xuân Anh - Phạm Dương

 


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết