Đẩy mạnh việc bảo tồn bản sắc văn hóa tại các trường học

14:24 08-12-2020 | :1983

Laocaitv.vn - Trong bối cảnh các giá trị văn hóa đang bị mai một dần theo thời gian như hiện nay, tại không ít trường học vùng cao của tỉnh Lào Cai, để bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, giáo viên đã khéo léo lồng ghép chúng vào các tiết học. Cũng từ đó, mô hình trường học văn hóa gắn với cộng đồng đã ra đời, tạo hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học tại các nhà trường.

Tham gia một buổi hoạt động ngoại khóa tại Trường THCS Tả Ngài Chồ, huyện Mường Khương với chủ đề gìn giữ, phát huy nét đẹp văn hóa dân tộc Mông, các em học sinh được hòa mình trong những lời hát, những điệu nhạc, xúng xính trong những bộ trang phục truyền thống, với niềm vui, niềm tự hào về bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Qua đó, giúp các em hiểu hơn và cố gắng học tập để giữ gìn những giá trị văn hóa độc đáo của dân tộc.

Học sinh Trường THCS Tả Ngài Chồ tham gia buổi ngoại khóa với chủ đề gìn giữ, phát huy nét đẹp văn hóa dân tộc Mông.

Không chỉ tham gia hoạt động ngoài trời, học sinh Trường THCS Tả Ngài Chồ còn được tham gia những tiết học thực tế rất lý thú. Chiếc đàn nhị, thứ nhạc cụ truyền thống của người Mông trở thành dụng cụ học tập, những nghệ nhân là các bậc phụ huynh của nhà trường sẽ trực tiếp hướng dẫn, dạy cho các em hiểu hơn về âm nhạc, về văn hóa của người Mông bản địa. “Nhà trường đã mời các nghệ nhân về dạy cho học sinh vào mỗi buổi chiều, dạy mùa khèn, dạy kéo nhị, múa sênh tiền, qua đó giúp các em thêm yêu trường mến lớp. Chúng tôi mong muốn cấp ủy chính quyền địa phương và các bậc phụ huynh, các nghệ nhân trong xã tiếp tục ủng hộ, đồng hành với nhà trường”, cô giáo Nguyễn Thị Thu Hằng, Hiệu trưởng Trường THCS Tả Ngài Chồ cho biết thêm.

Học sinh được nghệ nhân hướng dẫn tìm hiểu về nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình.

Xây dựng mô hình trường học văn hóa gắn với bản sắc dân tộc, Trường THCS Tả Ngài Chồ nói riêng, nhiều trường học khác trên địa bàn tỉnh nói chung đã đưa những nội dung ngoại khóa mang đậm bản sắc các dân tộc như: Học thêu thổ cẩm; sưu tầm trưng bày văn hóa; học múa dân gian như điệu sênh tiền, múa khèn, mùa xòe, nhảy sạp… Qua những buổi học, các em không chỉ được tiếp thu kiến thức khoa học mà còn được giao lưu, trải nghiệm, thêm gắn kết với bạn bè, trường lớp. Việc giới thiệu bản sắc văn hóa các dân tộc còn được lồng ghép vào chương trình học chính khóa của nhiều nhà trường, giúp các giờ dạy linh hoạt và hấp dẫn hơn, tạo được hứng thú cho các em học sinh.

Việc lồng ghép bản sắc văn hóa các dân tộc vào chương trình học tại trường sẽ tạo được hứng thú cho học sinh.

Ông Hà Văn Thắng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai cho rằng: “Ngành Giáo dục có vai trò rất quan trọng trong việc giữ gìn, bảo tồn văn hóa. Không phải chỉ có trách nhiệm của các cấp các ngành mà quan trọng ở đây là tạo cho các cháu niềm vui, hứng thú khi gìn giữ chính văn hóa của cha ông mình. Đặc biệt, trong ngành Giáo dục ngày càng có nhiều phong trào sôi nổi, bổ ích. Chúng tôi hy vọng phong trào bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa sẽ được nhân rộng từ các cháu học sinh”.

Việc xây dựng các trường học đa văn hóa đã góp phần không nhỏ trong công tác nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn tỉnh những năm qua. Nhờ có mô hình này, tỉ lệ chuyên cần ở các trường vùng cao luôn đạt trên 95%, các hoạt động văn hóa được lồng ghép vào chương trình học chính khóa đã tạo được sự hấp dẫn và hứng thú cho các em học sinh, giáo dục cho các em biết bảo tồn, phát huy những tinh hoa văn hóa truyền thống các dân tộc ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.  

  Thu Hường - Nông Quý


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết