Laocaitv.vn - Bắt đầu từ năm 2005, huyện Si Ma Cai đưa văn hóa truyền thống vào giảng dạy tại các trường học thông qua những giờ học ngoại khóa. Cho đến nay, hình thức này đang phát huy hiệu quả rõ nét, học sinh cảm thấy hứng thú hơn khi đến trường, đến lớp, góp phần quan trọng nâng cao tỷ lệ chuyên cần và chất lượng giáo dục toàn diện của các nhà trường.
Nghệ nhân Thào A Sớ rất vui khi được truyền dạy khèn Mông cho các em học sinh Trường Tiểu học số 1 xã Sín Chéng.
Từ nhiều năm nay, Nghệ nhân Thào A Sớ trở thành "thầy dạy khèn" của Trường Tiểu học số 1 xã Sín Chéng. Trong mỗi buổi dạy khèn Mông như thế này, ông đều chuẩn bị chu đáo, tìm những cách thức truyền thụ dễ hiểu, dễ nhớ, giúp các em thêm yêu bản sắc văn hóa dân tộc mình. Ông Thào A Sớ, thôn Sín Chải, xã Sín Chéng, huyện Si Ma Cai cho biết: "Khi được các đơn vị trường mời đến để truyền dạy cho các cháu, tôi rất vui. Tôi mong muốn truyền dạy cho các cháu để các cháu tiếp nối được và biết được cây khèn đối với bản sắc của người Mông mình".
Em Thào Duy Ngọc, Trường Tiểu học số 1 xã Sín Chéng, huyện Si Ma Cai cho biết: "Các thầy cô giáo và các nghệ nhân dạy cho em những hoạt động như là múa khèn, múa, múa ô, nấu xôi 7 màu nên em rất thích đến trường".
Bắt đầu từ năm 2005, huyện Si Ma Cai đưa văn hóa truyền thống vào các trường học thông qua các buổi học ngoại khóa. Đến năm 2020, hình thức này được đưa vào dạy như một môn học chính khóa, giúp các em học sinh thêm hào hứng, thích thú hơn khi tới trường, tới lớp. Cô giáo Bùi Thị Hường, Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 1 xã Sín Chéng, huyện Si Ma Cai cho biết: "Các hoạt động gắn với bản sắc văn hóa vào trong nhà trường thì học sinh cảm thấy trường học thân thiện hơn và việc huy động tỉ lệ chuyên cần cũng như là nâng cao chất lượng của nhà trường thì ngày càng tốt hơn".
Đưa hoạt động văn hóa truyền thống vào trường học góp phần đổi mới giáo dục và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống.
Bà Nguyễn Thị Kiều Oanh, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Si Ma Cai cho biết: "Qua đó, giáo dục cho học sinh biết cách trân trọng, nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Thu hút học sinh tham gia vào các hoạt động của nhà trường. Tăng cường sự giao lưu, đoàn kết giữa các em học sinh, tạo dựng được được môi trường học tập thân thiện, học sinh tích cực".
Toàn huyện Si Ma Cai có 41 trường ở các bậc học THCS, tiểu học và mầm non với gần 11.000 học sinh. Trong đó, hơn 90% học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Việc đưa các hoạt động văn hóa truyền thống vào trường học vừa góp phần đổi mới giáo dục, xây dựng "Trường học thân thiện, học sinh tích cực", "Trường học hạnh phúc", vừa góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống. Giúp các em hiểu biết và trân trọng nét đẹp văn hóa của dân tộc mình./.
Đức Trung
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ
Tiếng việt có dấu
Không chứa liên kết
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết