Lưu giữ, bảo tồn mặt nạ người Dao

17:51 28-01-2020 | :976

Laocaitv.vn - Tâm thức của người Dao được phản ánh thông qua các sinh hoạt văn hóa, đặc biệt là những hình thức diễn xướng và nghi lễ dân gian phong phú. Trong diễn sướng thì mặt nạ là vật không thể thiếu và ý nghĩa của mặt nạ trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào dân tộc Dao và nhu cầu cần phải lưu giữ, bảo tồn giá trị độc đáo này cho muôn đời sau.

Trong lễ cấp sắc của người Dao thì mặt nạ là vật thể không thể thiếu. 

Cấp sắc là một nghi lễ truyền thống và quan trọng bậc nhất trong kho tàng văn hóa của dân tộc Dao. Theo quan niệm của người Dao, đàn ông nếu chưa trải qua lễ cấp sắc thì chưa được coi là người trưởng thành, trong lễ cấp sắc, mặt nạ là vật thể không thể thiếu. Mặt nạ không đơn giản chỉ là một miếng gỗ được đục khoét tạo thành hình, mà còn mang nhiều ý nghĩa, giá trị đặc biệt, đó là thể hiện sức mạnh của các vị thần. Theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc Dao tại hội thảo về tết cổ truyền của một số dân tộc thiểu số Việt Nam được tổ chức mới đây tại Lào Cai thì những chiếc mặt nạ của dân tộc Dao là một mảnh trong ký ức tập thể được truyền lại tự nhiên, từ thế hệ này qua thế khác. Mặt nạ được sử dụng chủ yếu trong nghi lễ cấp sắc, đây là nghi lễ vòng đời chính thức của cộng đồng dân tộc Dao, vì thế vật này rất quan trọng trong đời sống tín ngưỡng của đồng bào. Giáo sư Nguyễn Tri Ân, Đại học Bates, Mỹ chia sẻ: "Mặt nạ nghi lễ được tạo ra với nhiều hình thức khác nhau nhằm đại diện cho các vị thần linh, thần tôn giáo và dân tộc nên trở thành một phần di sản tinh thần của cả cộng đồng".

Dưới bàn tay khéo léo của các nghệ nhân, những khúc gỗ được đục, đẽo, trạm khắc, tạo thành những chiếc mặt nạ có khuôn mặt giống vị thánh, thần trong sách cổ người Dao. Mặt nạ khi được chế tác, tạo hình sẽ là một tác phẩm nghệ thuật điêu khắc. Các bộ phận trên mặt nạ như mắt, mũi, miệng…, được cách điệu với đường nét hoang dã, phần nào thể hiện được tính cách, thần thái của nhân vật được tạo hình, thường có sự oai phong, tôn nghiêm như tính cách của các vị thần. Tuy nhiên, trong thực tế hiện nay, mặt nạ người Dao đang bị mai một, không có người kế cận chế tác. Với tâm huyết và mong muốn nét văn hóa đặc trưng của người Dao không bị mai một, từ năm 1990, ông Hoàng Thông, hiện sinh sống tại thành phố Hồ Chí Minh đã dành thời gian, sức lực và tài chính đi khắp nơi sưu tập, tích lũy hàng trăm chiếc mặt nạ của người Dao. Để giúp nhiều người có cơ hội thưởng thức, đặc biệt là giúp cộng đồng người Dao hiểu sâu sắc hơn về nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình. Tháng 12 năm 2019, ông Hoàng Thông lần đầu tiên đã mang bộ sưu tập mặt nạ dân tộc Dao đến tổ chức triển lãm tại Bảo tàng tỉnh Lào Cai. Ông Hoàng Thông, Nhà sưu tập mặt nạ người Dao cho biết: "Tôi muốn giới thiệu thêm về bản sắc văn hóa của cộng đồng dân tộc Dao cho những người thích tìm hiểu văn hóa các dân tộc. Hiện mặt nạ của người Dao đang không được nhiều người biết đến, vì vậy tôi muốn lưu giữ và truyền tải đến cho mọi người biết đến ý nghĩa của chiếc mặt nạ của người Dao".

Bộ sưu tập mặt nạ dân tộc Dao được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Lào Cai.

Mặt nạ nghi lễ của người Dao huyền bí, mê hoặc, chứa đựng nhiều ý nghĩa tôn giáo và bản sắc văn hóa. Nó có vai trò và ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong đời sống tâm linh của cộng đồng nên cần phải được bảo tồn, trao truyền cho các thế hệ sau./.

 Đức Tính


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết