Nâng cao thu nhập từ nghề truyền thống

15:05 31-10-2024 | :62

 

Laocaitv.vn - Là địa bàn sinh sống của người Mông, Dao, Giáy, đồng bào các dân tộc xã Tả Van, thị xã Sa Pa hiện còn lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống độc đáo, trong đó có nghề thêu, may thổ cẩm. Phát huy thế mạnh này, địa phương đã và đang triển khai nhiều giải pháp, với mục tiêu biến di sản thành tài sản, phục vụ du lịch, nâng cao đời sống người dân.

Người Dao đỏ quan niệm, phụ nữ phải biết thêu thùa, may vá. Do vậy, ngay từ khi còn nhỏ, chị Mẩy đã được mẹ truyền dạy thêu may trang phục truyền thống. Những sản phẩm thổ cẩm của phụ nữ Dao đỏ trước đây chỉ để phục vụ bản thân, gia đình nay đã trở thành sản phẩm lưu niệm hấp dẫn du khách.

Ngay từ khi còn nhỏ, phụ nữ Dao đỏ đã được truyền dạy thêu may trang phục truyền thống.

Chị Lý Tả Mẩy, thôn Tả Chải Dao, xã Tả Van, thị xã Sa Pa chia sẻ: “Cái này thêu rất cầu kỳ, nếu ở nhà thêu thì 1 năm em chỉ thêu được một miếng như này thôi, còn nếu như mà thêu được một bộ thì phải mất 2 năm còn vừa đi làm vừa thêu thì 3 năm”.

Chị Anna, du khách Pháp nói: “Đối với tôi, đây là 1 cách rất tuyệt vời để khám phá Việt Nam thông qua thêu thùa cũng như làm thổ cẩm của người địa phương. Trong hành trình mấy ngày vừa qua, tôi đã mua rất nhiều quà để mang tặng bạn bè, người thân”.

Được triển khai từ năm 2023, Dự án hỗ trợ, bảo tồn nghề thêu truyền thống tại thôn Tả Chải Dao đã thu hút trên 30 hộ tham gia. Những sản phẩm làm ra khá phong phú, vừa mang nét đặc trưng của nghề thêu dân tộc Dao, lại có tính hiện đại, được nhiều du khách lựa chọn. Cách làm này mang lại thu nhập cho mỗi hội viên từ 6 - 7 triệu đồng/tháng.

Được triển khai từ năm 2023, Dự án hỗ trợ, bảo tồn nghề thêu truyền thống tại thôn Tả Chải Dao đã thu hút trên 30 hộ tham gia.

Anh Tẩn Láo Sử, Trưởng thôn, Bí thư Chi bộ thôn Tả Chải Dao, xã Tả Van, thị xã Sa Pa cho biết: “Từ ngày thành lập tổ thêu thì cũng đỡ đần rất nhiều cho chị em. Chị em chăm chỉ ở nhà thêu bán cho hợp tác xã. Những sản phẩm nào ở trong xã chưa đăng ký thì chị em bán riêng cho khách du lịch”.

Ông Hầu A Sử, Phó Chủ tịch UBND xã Tả Van, thị xã Sa Pa cho biết thêm: “Dự án hỗ trợ 1 phần kinh phí cho các nhóm, hộ chị em người Dao; hỗ trợ máy khâu để các chị em tập trung làm thổ cẩm, giới thiệu sản phẩm. Hiện nay, theo đánh giá thì mô hình này cũng đang phát triển tốt”.

Trong định hướng phát triển du lịch, thị xã Sa Pa xây dựng 5 điểm du lịch cộng đồng gắn với đặc trưng văn hóa của 5 dân tộc thiểu số gồm: dân tộc Giáy tại xã Tả Van, dân tộc Dao tại Tả Phìn, dân tộc Mông tại Mường Hoa, dân tộc Tày tại Bản Hồ và dân tộc Xa Phó tại xã Liên Minh... Đây là cơ hội để sản phẩm của mỗi dân tộc ở Sa Pa trở thành hàng hoá, mang lại sinh kế cho người dân địa phương.

Ngọc Minh


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết