Laocaitv.vn - Văn hóa truyền thống có ý nghĩa quan trọng trong đời sống sinh hoạt, tâm linh của người Mông. Bởi vậy, việc trao truyền các giá trị văn hóa truyền thống luôn được cộng đồng người Mông quan tâm, vừa là món ăn tinh thần, vừa giáo dục cho thế hệ trẻ về giá trị, cội nguồn của dân tộc mình. Ghi nhận tại một số xã vùng cao của huyện Mường Khương.
Là một trong ít nghệ nhân còn lưu giữ được các bài múa gậy sênh tiền truyền thống ở xã Pha Long, ông Lù Seo Sềnh luôn đau đáu làm sao để điệu múa này không bị mai một. Do vậy, ông đã tích cực truyền dạy cho học sinh trên địa bàn. Từ những hoạt động như vậy, giúp các em thêm yêu, trân trọng hơn văn hóa của dân tộc mình.
Chia sẻ về quá trình học múa, em Ly Thị Vân Anh, học sinh Trường PTDT bán trú THCS xã Pha Long, huyện Mường Khương cho biết: “Cháu học múa gậy sênh tiền từ lúc tiểu học, bây giờ cháu thấy mình múa cũng khá ổn rồi. Cháu sẽ cố gắng học để múa tốt, không phụ lòng các ông đã đến đây dạy chúng cháu”.
Ông Lù Seo Sềnh, thôn Sả Chải, xã Pha Long, huyện Mường Khương bày tỏ tâm huyết: “Tôi muốn truyền dạy cho các cháu, đời này dạy cho đời sau để ai cũng biết. Vì đây là bản sắc nên tôi chỉ mong là các cháu học được và giữ được bản sắc dân tộc của mình”.
Ông Lù Seo Sềnh truyền dạy điệu múa gậy sênh tiền cho thế hệ trẻ, giữ gìn bản sắc dân tộc
Còn tại xã Tả Ngài Chồ, 2 lớp truyền dạy nhạc cụ như khèn, sáo, đàn môi, các làn điệu dân ca… cũng đã được địa phương thành lập, với sự tham gia truyền dạy của các nghệ nhân, người lớn tuổi am hiểu văn hóa dân tộc. Qua đó không chỉ gìn giữ, trao truyền bản sắc cộng đồng dân tộc Mông mà còn hỗ trợ đắc lực cho các hoạt động văn hóa, văn nghệ ở địa phương.
Ông Thào Chín Phà, thôn Bản Phố, xã Tả Ngài Chồ, huyện Mường Khương nhấn mạnh: “Cây khèn của dân tộc Mông rất là quan trọng. Ví dụ có một ông cụ hoặc bà cụ mất thì cây khèn phải đi trước; giao lợn, giao gà, giao cơm… cũng cần cây khèn, nên không thể bỏ được, bao nhiêu thế hệ cũng phải dạy cho toàn bộ”.
Ông Thào Seo Phử, Phó Chủ tịch UBND xã Tả Ngài Chồ, huyện Mường Khương cho biết: “Đảng ủy, HĐND, UBND xã rất quan tâm, đến thời điểm hiện tại đang mời các nghệ nhân, những người có nhiệt huyết để truyền dạy cho các cháu, thế hệ tương lai sau này để tiếp tục duy trì bản sắc văn hóa dân tộc, cũng như phục vụ các lễ hội trên địa bàn”.
Xã Tả Ngài Chồ truyền dạy nhạc cụ và dân ca, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Mông
Văn hóa truyền thống được xem là hồn cốt đối với cộng đồng 25 dân tộc anh em ở Lào Cai nói chung, với người Mông nói riêng. Vậy nên, việc gìn giữ, trao truyền và phát huy các giá trị văn hóa trong đời sống hiện nay là rất ý nghĩa. Để những nhạc cụ, khúc hát đơn sơ, mộc mạc nhưng hàm chứa nhiều ý nghĩa sẽ luôn vang vọng trên mỗi bản làng của vùng cao Lào Cai.
Thào Sếnh
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ
Tiếng việt có dấu
Không chứa liên kết
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết