Những nhà văn nổi tiếng từng là giáo viên Lào Cai

15:30 13-11-2017 | :13495

Laocaitv.vn - Các nhà văn nổi tiếng Ma Văn Kháng, Bùi Nguyên Khiết và Mã A Lềnh không chỉ nổi tiếng ở địa bàn tỉnh Lào Cai lâu nay mà có nhà văn còn được nhiều bạn đọc, bạn đồng nghiệp cả nước biết tới. Nhân kỷ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11 xin trân trọng giới thiệu đôi nét về 3 nhà văn nổi tiếng tỉnh Lào Cai có điểm xuất phát giống nhau trên con đường sáng tác văn học vì họ đều từng là nhà giáo dạy học ở vùng núi tỉnh Lào Cai.

1/ Nhà văn Ma Văn Kháng có tên khai sinh là Đinh Trọng Đoàn, sinh ngày 1/12/1936 ở làng Kim Liên ,thủ đô Hà Nội. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp ông là Thiếu sinh quân phục vụ trong Quân đội và sau khi tốt nghiệp trường sư phạm ở Quế Lâm ( Trung Quốc), ông là những giáo viên đầu tiên miền xuôi xung phong lên dạy học ở vùng núi Lào Cai sau kháng chiến chống Pháp. Ông là hiệu trưởng đầu tiên của trường cấp 2-3 thị xã Lào Cai - tiền thân của Trường trung học phổ thông số 1 thành phố Lào Cai hiện nay. Là giáo viên văn học và có tác phẩm đăng trên một số báo Trung ương nên ông được Tỉnh ủy Lào Cai điều động từ ngành giáo dục sang văn phòng Tỉnh ủy làm thư ký riêng cho ông Hoàng Trường Minh,Ủy viên Trung ương Đảng,Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai . Sau đó ông chuyển sang làm phóng viên Báo Lao Cai đổi mới và vài năm sau là Phó tổng biên tập Báo Lao Cai đổi mới cho tới khi chuyển về Thủ đô Hà Nội làm Phó giám đốc - Tổng biên tập Nhà xuất bản Lao  Động ( Tổng liên đoàn lao động Việt Nam ). Ông từng liên tiếp 2 khóa được bầu vào Ban chấp hành Hội nhà văn Việt Nam và được giao giữ chức Tổng biên tập Tạp chí Văn học nước ngoài (Hội nhà văn Việt Nam ). Nhà văn Ma Văn Kháng xuất bản 20 cuốn tiểu thuyết, 200 truyện ngắn,trong đó có các cuốn tiểu thuyết nổi tiếng như " Xa Phủ", "Đồng bạc trắng hoa xòe", "Đám cưới không giấy giá thú", "Mùa lá rụng trong vườn"...,có những tác phẩm được dịch ra tiếng tiếng ngoài và chuyển thể thành phim truyền hình nhiều tập được người xem đánh giá cao. Ông có vinh dự đã đươc trao tặng nhiều giải thưởng văn học cao quý trong nước và quốc tế, đáng kể nhất là Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật ( năm 2001 ), Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật ( năm 2012), Giải thưởng văn học ASEAN ( 1998), giải thưởng văn học mang tên Fansipan của Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai tặng thưởng…

Kể về kỷ niệm được chọn làm thư ký riêng của Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai, nhà văn - nhà giáo Ma Văn Kháng viết trong cuốn hồi ký “Năm tháng nhọc nhằn, năm tháng nhớ thương” như sau:

…” Chút tiếng tăm do viết lách những năm tháng ấy đem lại cho tôi chút kính nể riêng ở môi trường tỉnh nhỏ và tôi thật không ngờ, nó lại là cái duyên cớ tạo nên một bước ngoặt lớn trong đời mình. Số là lúc này đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Hoàng Trường Minh, tên khai sinh là Hoàng Khải Luận, rất cần có một thư ký giúp việc. Vì người giúp việc giấy tờ cho đồng chí vốn là giáo viên dạy bổ túc văn hóa kiêm nhiệm, hơn nữa dịp này anh ấy lại được chuyển công tác về xuôi. Lo việc tìm người thay thế là Ban Tổ chức Tỉnh ủy, ban này đặt ra các tiêu chuẩn: thư ký giúp việc cho Bí thư Tỉnh ủy phải là đảng viên (tất nhiên), tốt nhất là đã kinh qua cấp ủy, hơn nữa, người này phải thạo việc viết lách. Và do ở Ban Tổ chức Tỉnh ủy có mấy chuyên viên nguyên là thầy giáo quen biết, nên tôi được đề cử ngay lập tức. Tôi đã từng là Chi ủy viên, có truyện ngắn đăng trên tờ Văn học, tức là tôi đã đạt tiêu chuẩn thạo việc viết lách rồi còn gì(?).

Ngày 4/3/1967, tôi nhận được quyết định số 13 của Ban thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai, điều tôi đang là Trưởng phòng cấp II, III Ty Giáo dục Lào Cai về Văn phòng Tỉnh ủy làm thư ký riêng cho Bí thư Hoàng Trường Minh.

Việc này thật bất ngờ với tôi. Và cũng gây sốc với Ty Giáo dục. Trưởng ty Giáo dục Phạm Hồng Phúc, một cán bộ Đảng giàu năng lực, yêu văn chương, khiếu nại với tỉnh: Rằng anh Kháng là cán bộ chủ lực của Ty Giáo dục; là cánh tay phải của chúng tôi, là nhà văn tương lai, để anh ấy làm việc ấy là lãng phí tài năng và công sức tích lũy nghề nghiệp. Thì được chính Bí thư Tỉnh ủy trả lời: Chả lẽ ở cương vị Bí thư Tỉnh ủy, tôi không xứng có một người giúp việc như anh Kháng?

Về phần tôi, tôi nửa thích thú, nửa lo ngại. Và vương vương một chút buồn ủy mỵ…”

Nhà văn Ma Văn Kháng

2/ Nhà báo - nhà văn - liệt sĩ Bùi Nguyên Khiết: Ông sinh năm 1945 tại Xích Thổ, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình. Trước khi trở thành phóng viên Báo Hoàng Liên Sơn ( tỉnh Hoàng Liên Sơn cũ), sau khi tốt nghiệp Trường sư phạm tỉnh Hòa Bình ông đã tình nguyện lên dạy học ở vùng núi tỉnh Lào Cai.  Nhà giáo Bùi Nguyên Khiết từng có nhiều năm gắn bó với sự nghiệp giáo dục trên cương vị giáo viên dạy văn cấp 2 ở xã Bảo Nhai (huyện Bắc Hà) và khu vực biên giới Duyên Hải của thị xã tỉnh lỵ Lào Cai.

 Nhà báo - nhà văn - liệt sĩ Bùi Nguyên Khiết là phóng viên chiến trường duy nhất của Việt Nam đã anh dũng ngã xuống trong cuộc chiến đấu bảo vệ  biên giới phía Bắc Tổ quốc sáng ngày 17/2/1979 tại một điểm cao trên biên giới xã Tả Ngải Chồ , huyện Mường Khương ( tỉnh Lào Cai) khi đang trực tiếp cầm súng cùng bộ đội địa phương dũng cảm chặn đánh quân địch từ bên kia biên giới tràn sang.

Ông là nhà văn đặc biệt vì đã  được kết nạp chính thức vào Hội Nhà văn Việt Nam sau khi hy sinh trong chiến đấu bảo vệ biên giới Tổ quốc tháng 2/1979. Ông đã được chọn vào học Lớp viết văn trẻ Việt Nam khóa đầu tiên do Hội nhà văn Việt Nam tổ chức năm 1973 tại Thủ đô Hà Nội. Khi là giáo viên dạy văn cấp 2 và sau đó là phóng viên Báo Hoàng LIên Sơn, ông đã là cộng tác viên thân thiết của Tuần báo Văn nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam), Nhà xuất bản Kim Đồng, Nhà xuất bản Phụ nữ, tạp chí Văn nghệ Lao Cai ... qua các bút ký báo chí, phóng sự văn học, truyện ngắn ... mang tính thời sự cao viết về con người và vùng đất biên giới tỉnh Lào Cai. Đó là các tập truyện ngắn" Đi bên những vì sao", "Dáng núi", "Ngôi sao xanh màu lá mạ" (in chung với nhà văn Ma Văn Kháng), "Tiếng chim đổi mùa" ( in cùng nhiều tác giả), các truyện ký, bút ký đăng các báo Trung ương gồm báo Văn nghệ, Văn nghệ Quân đội, Tiền Phong, Phụ nữ Việt Nam... với các tác phẩm" Bóng dáng thân yêu", "Mưa tuyết", " Trên đồi dứa vụ đông", "Mùa vàng thao thức", Đêm trăng trên bến dưới thuyền", "Hồ Kiều làm chứng", Hoa ban sắc trắng", "Gió ngàn", "hạt giống mới", "Theo ông đi lấy mật", "Ông lão trên núi chè tuyết và đứa cháu xa quê", "Tiếng hú trong rừng mỡ"...    

Năm 2004, nhà văn Bùi Nguyên Khiết là tác giả đầu tiên được UBND tỉnh Lào Cai truy tặng đợt đầu Giải thưởng Phan Si Păng là Giải thưởng văn học - nghệ thuật cao nhất của tỉnh Lào Cai xét tặng 5 năm một lần cho các tác phẩm xuất sắc nhất của nhà văn viết về tỉnh Lào Cai thân yêu, là quê hương thân thiết thứ 2 của ông.

Nhân ngày báo chí cách mạng Việt Nam 21/6/2014, UBND thành phố Lào Cai tổ chức gắn biển đường phố mang tên nhà báo - nhà văn - liệt sĩ Bùi Nguyên Khiết  tại phường Bình Minh , thành phố Lào Cai do Hội đồng nhân dân tỉnh Lào Cai phê chuẩn cuối năm 20113. Đây là niềm tự hào của giới báo chí và văn nghệ sỹ tỉnh Lào Cai cũng như gia đình liệt sỹ Bùi Nguyên Khiết.

Nhà báo - nhà văn - liệt sĩ Bùi Nguyên Khiết

3/ Nhà văn - nhà báo Mã A Lềnh: là nhà văn người dân tộc H'Mông đầu tiên của tỉnh Lào Cai được kết nạp vào Hội nhà văn Việt Nam năm 1982 và quê ông ở xã Trung Chải, huyện Sa Pa. Trước khi trở thành nhà văn - nhà báo chuyên nghiệp, ông là giáo viên ở quê nhà huyện Sa Pa và sau đó được điều động về công tác ở Ty Giáo dục tỉnh Lào Cai làm việc cùng nhà giáo - nhà nghiên cứu dân tộc Doãn Thanh - người có công sưu tầm, biên dịch và giới thiệu dân ca H'Mông cho bạn đọc cả nước cùng đọc. Nhà văn Mã A Lềnh là sinh viên đầu tiên của Trường đại học viết văn Nguyễn Du và là nhà văn duy nhất của tỉnh Lào Cai được du học dài hạn tại Học viện văn học Goóc ky ( Nga ). Ông đã từng công tác và giữ cương vị cán bộ chủ chốt tại Hội văn học nghệ thuật Hoàng Liên Sơn, Đài Phát thanh truyền hình tỉnh Lào Cai, Hội văn học nghệ thuật tỉnh Lào Cai. Hiện nay nhà văn Mã A Lềnh đang nghỉ hưu và tiếp tục sáng tác văn học, nghiên cứu văn hóa dân tộc thiểu số tại thành phố Lào Cai. 

Nhà văn Mã A Lềnh đã được trao nhiều giải thưởng cho các tác phẩm xuất sắc của mình,trong đó có 2 giải thưởng của Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp Hội VHNT Việt Nam, Giải A cuộc thi sáng tác văn học thiếu nhi năm 1994-1995 do Nhà xuất bản Kim Đồng tổ chức, Giải thưởng văn học nghệ thuật mang tên Fansipan của Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai xét tặng thưởng 5 năm một lần vào đợt đầu tiên trao thưởng năm 2002... Các tác phẩm của nhà văn Mã A Lềnh đã xuất bản: Nhọc nhoài với ký (2000);Chuyện bây giờ mới kể (1996); Cao nguyên trắng; Bên suối Nậm Mơ (1995); Có một con đường (1996); Thằng bé củ mài (2000); Rong ruổi vùng cao (2003); Cột mốc giữa lòng sông (1984); Chộn rộn đường xuân (2005). Chuyện xưa ở Mường Tiên (2001). Dấu chân trên đường (1996); Mã A Lềnh Thơ (2002). Rừng xanh (1997); Nàng Gua và chàng Sóc (2001).... Đặc biệt năm 2016 Nhà xuất bản Đại học Thái Nguyên đã xuất bản và phát hành cuốn sách "Tuyển tập Mã A Lềnh" dày hơn 1.000 trang giới thiệu những tác phẩm xuất sắc nhất của ông và có một số nghiên cứu sinh làm luận văn thạc sỹ, tiến sỹ về tác phẩm của nhà văn Mã A Lềnh.

Nhà văn, nhà báo Mã A Lềnh

                                                                                      Phạm Ngọc Triển 

 


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết

Danh sách bình luận

Bùi Thị Mỵ 7 năm trước

Xin trân trọng cảm ơn nhà báo Phạm Ngọc Triển !