Tài sản văn hóa tinh thần của người Thu Lao

12:50 17-01-2021 | :1950

Laocaitv.vn - Âm nhạc, dân ca, dân vũ là tài sản quý báu, mang sắc thái riêng, gắn liền với đời sống tinh thần của mỗi dân tộc. Với người Thu Lao ở Nàn Sán, huyện Si Ma Cai, những điệu hát, điệu Kháo đã ăn sâu vào máu thịt, được gìn giữ và phát huy, góp phần làm phong phú bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn Lào Cai.

Tiếng đàn, điệu Kháo luôn được người Thu Lao gìn giữ và phát huy.

Khúc hát dân ca vang lên, cũng là lúc bản làng của người Thu Lao dần bước vào xuân. Thời điểm này, thóc lúa đã vào bồ, công việc của một năm vất vả tạm gác lại, bà con dân tộc Thu Lao ở Nàn Sán, huyện Si Ma Cai đang hướng tới cái Tết yên vui, cái Tết đầu tiên của vùng quê nông thôn mới. Ông Vàng Sìn Phìn, thôn đội 2, xã Nàn Sán, huyện Si Ma Cai chia sẻ: “Ngày Tết thì phải đàn hát chứ, tụ họp bạn bè mới vui. Khi còn nhỏ thấy bố đàn hát, tôi rất thích và tôi cũng lưu giữ cho các con, các cháu mình để chúng biết được cái âm nhạc của người Thu Lao”.

Người Thu Lao có tới gần 50 bài Kháo khác nhau thể hiện mọi khía cạnh đời sống. Người Thu Lao hát ở mọi lúc, mọi nơi, hát trong lễ xin dâu, lễ cưới, hát trong lúc làm ăn, các bài hát giao duyên… Và điệu Kháo không thể thiếu được những dụng cụ hòa âm là các loại đàn hay cây tiêu, cây sáo. Ông Vàng Sìn Phìn, thôn đội 2, xã Nàn Sán, huyện Si Ma Cai chia sẻ thêm: “Nếu tôi không lưu giữ lại thì đến giờ chắc các cháu cũng sẽ không biết cây tiêu, cây sáo, cây đàn là như thế nào đâu. Cái âm nhạc của Thu Lao rất đặc biệt, phải có cái đàn thì mới thành, thế nên tôi phải cố gắng giữ lại, cái nào hỏng tôi cũng vẫn giữ. Những người làm được cái đàn này thì đã chết cả rồi, sau này tôi sẽ phải học để tự làm cho bằng được”.

Ông Vàng Sìn Phìn truyền dạy cho thế hệ trẻ.

Với người Thu Lao ở Nàn Sán, tiếng đàn, điệu Kháo của dân tộc như một thứ tài sản chung, cần như cơm ăn nước uống hằng ngày. Qua năm tháng của cuộc sinh tồn, những làn điệu dân ca như sợi dây tinh thần gắn kết các thế hệ, tạo nên sức mạnh tinh thần cho cộng đồng dân cư. Em Vàng Seo Khon, thôn đội 2, xã Nàn Sán, huyện Si Ma Cai chia sẻ: “Những ngày thứ 7, chủ nhật em thường rủ bạn bè ra nhà ông Phìn để học. Ông dạy cho em cách đánh đàn, học sáo, những bài hát của dân tộc. Em rất thích và mong muốn được đàn và hát giỏi như ông”.

Mảnh đất Lào Cai với 25 dân tộc anh em cùng chung sống, mỗi độ xuân về lại vang lên bản hòa âm của các làn điệu dân ca, dân vũ độc đáo. Những điệu nhạc, khúc hát là món ăn tinh thần không thể thiếu, cũng là tài sản vô giá mà các thế hệ ra sức gìn giữ và trao truyền.

Thu Hường - Thành Thuận


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết