Cần những giải pháp căn cơ trong việc phòng, chống xâm hại trẻ em

18:35 31-10-2019 | :1295

Laocaitv.vn - Trong những năm vừa qua, trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã xảy ra những vụ việc xâm hại trẻ em gây rúng động dư luận. Để phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, cần sự vào cuộc của cả cộng đồng, xã hội, trong đó, đặc biệt nêu cao vai trò, trách nhiệm của các nhà trường. Xác định công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em là một trong những nhiệm vụ quan trọng, ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố Lào Cai đang thực hiện nhiều biện pháp ngăn chặn các nguy cơ bạo hành, xâm hại trẻ cả ở trong và ngoài nhà trường.

 

Buổi hoạt động chuyên đề của các em học sinh Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ.

Tại buổi hoạt động chuyên đề của các em học sinh Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ, thành phố Lào Cai, học sinh cùng với cô giáo được trò chuyện, chia sẻ những kỹ năng sống bằng nhiều hình thức thú vị như: Sử dụng các bài hát, trò chơi, diễn kịch... Buổi ngoại khóa chuyên đề “Diễn đàn phòng, chống xâm hại trẻ em” thu hút sự quan tâm của đông đảo học sinh. Tại diễn đàn, thông qua hình thức sân khấu hóa, thầy cô giáo đã truyền tải đến học sinh những kỹ năng cần thiết để giúp các em có thể tự bảo vệ bản thân khỏi sự xâm hại, đặc biệt là xâm hại tình dục. Em Lê Thùy Linh, học sinh lớp 5A1 chia sẻ: "Tại diễn đàn em được thầy cô giáo hướng dẫn về quy tắc 5 ngón tay. Thông qua quy tắc này giúp em biết được những người mình gặp trong cuộc sống, người nào có thể ôm, hôn, bắt tay hoặc xua tay. Từ đó em có thể tự bảo vệ bản thân khỏi người xấu và còn tuyên truyền cho các bạn khác cùng thực hiện".

Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ hiện có trên 1.000 học sinh, việc tuyên truyền về phòng, chống xâm hại trẻ em đã được trường đưa vào nội dung giáo dục ở tất cả các khối lớp từ nhiều năm nay, tuy nhiên hoạt động đi vào chiều sâu từ năm học 2014 - 2015. Các nội dung tuyên truyền thường xuyên được giáo viên lồng ghép vào các tiết sinh hoạt lớp, các buổi chào cờ đầu tuần. Mỗi tiết học thầy cô đưa ra các tình huống xâm hại mà học sinh dễ gặp phải, cùng học sinh đưa ra giải pháp xử lý phù hợp nhất. Đặc biệt trường áp dụng phương pháp giáo dục mới “Lớp học đảo ngược”, giáo viên trao đổi nội dung bài học với phụ huynh; học sinh sẽ nghiên cứu trước bài học ở nhà, sau đó sẽ tới lớp cùng trao đổi với thầy cô và bạn bè. Thông qua hình thức này, nhiều vấn đề nhạy cảm, tế nhị sẽ được các em mở lòng trao đổi với thầy cô, cha mẹ nhiều hơn. Cô giáo Đỗ Thị Thu Thủy, Tổng phụ trách đội, Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ cho biết: "Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ ứng dụng công nghjệ 4.0, sử dụng lớp học đảo ngược. Các con về nhà có tâm tư nguyện vọng như thế nào đếu chia sẻ qua facebook, zalo để gửi đến các thầy cô. Những vấn đề chưa hiểu, còn băn khoăn cần lời giải đáp thì các con sẽ lên lớp chia sẻ với thầy cô".

Buổi sinh hoạt của thầy và trò Trường Tiểu học Lê Văn Tám.

Thời gian qua, ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố Lào Cai đã đưa ra nhiều biện pháp ngăn ngừa tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em bằng việc đề ra quy chế, quy định, giáo viên không được có hành vi sai trái xâm phạm tới thân thể, tâm lý của các em, đồng thời tổ chức bồi dưỡng cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên về đạo đức nghề nghiệp; giáo viên thường xuyên trò chuyện, phát hiện tâm lý bất thường của học sinh để có biện pháp xử lý kịp thời; tuyên truyền, giáo dục kỹ năng sống, xây dựng nếp sống văn minh, ứng xử văn hóa trong nhà trường; tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể thao lành mạnh, bổ ích cho học sinh, nhằm tạo mối đoàn kết, nâng cao nhận thức về xã hội cho các em. Ngành giáo dục và đào tạo tiến hành kiểm tra thường xuyên việc thực hiện phòng, chống bạo lực, kiểm soát đối chứng giữa nhà trường với học sinh; tiến hành tổ chức cho giáo viên, học sinh ký cam kết xây dựng nội quy về việc thực hiện tốt nội dung phòng, chống xâm hại trẻ em. Bà Trần Thị Thùy Dung, Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Lào Cai  cho biết: "Để nội dung phòng, chống xâm hại trẻ em đi vào chiều sâu và có hiệu quả, thời gian tới Phòng Giáo dục và đào tạo thành phố tiếp tục quán triêt lồng ghép nhiều nội dung vào bài học. Tạo sự tương tác đa chiều với các phụ huynh trong việc giáo dục kỹ năng. Ngăn chặn, xử lý kịp thời những cá nhân vi phạm để có biện pháp răn đe".

Để tránh những câu chuyện liên quan đến xâm hại trẻ em thì việc trang bị những kỹ năng sống cho các em cần phải được chú trọng. Ngoài sự nỗ lực từ nhà trường, cha mẹ và toàn xã hội cũng cần dành sự quan tâm đặc biệt hơn thông qua những việc làm cụ thể, đi vào chiều sâu trong việc bảo vệ, phòng chống bạo lực xâm hại trẻ em./.

Trung Kiên


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết