Dạy tiếng mẹ đẻ cho học sinh dân tộc thiểu số

14:00 19-11-2023 | :273

Laocaitv.vn - Khoảng 70% học sinh của Lào Cai là người dân tộc thiểu số. Thời gian qua, các trường học trong tỉnh đã có nhiều sáng tạo tổ chức các hoạt động ngoại khóa gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa, giúp các em thêm yêu quý, biết phát huy những tinh hoa văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Câu lạc bộ dạy tiếng mẹ đẻ ở Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS và THPT huyện Bảo Thắng là một sáng tạo điển hình.

Câu lạc bộ dạy Tiếng mẹ đẻ sẽ bàn bạc chủ đề cho buổi sinh hoạt định kỳ.

Năm học này, Tráng Tiến Dũng có thêm nhiệm vụ mới. Một tuần một lần, Dũng cùng các bạn trong Câu lạc bộ dạy Tiếng mẹ đẻ sẽ cùng ngồi lại để bàn bạc chủ đề cho buổi sinh hoạt định kỳ. Dũng cũng sẽ “đứng lớp”, dạy tiếng Mông cho các bạn cùng dân tộc với mình. Em Tráng Tiến Dũng, học sinh Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS và THPT huyện Bảo Thắng cho biết: "Khi biết có câu lạc bộ này em rất là hào hứng. Em cũng thấy khá tự tin khi được dạy cho các bạn. Chúng em biết rằng mình phải đóng góp để bảo vệ tiếng mẹ đẻ".

Câu lạc bộ học tiếng Tày cũng thu hút đông thành viên tham gia. Mỗi buổi xoay quanh một chủ đề, chỉ vài từ khóa, học sinh trao đổi, chia sẻ là chính. Từ đó, các em có môi trường để giao tiếp, sử dụng tiếng mẹ đẻ nhiều hơn. Em Phạm Duy Khương, học sinh Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS và THPT huyện Bảo Thắng cho biết: "Trước mỗi buổi lên lớp em cũng dành thời gian để tìm hiểu nội dung và các từ mới. Và càng tìm hiểu em càng thấy yêu hơn tiếng nói của mình".

Dạy tiếng mẹ đẻ hiện đang được các trường ở vùng cao thực hiện đã mang lại hiệu quả rõ rệt.

Em Lương Thị Phương Anh, học sinh Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS và THPT huyện Bảo Thắng cho biết: "Ngoài các giờ sinh hoạt câu lạc bộ, chúng em cũng sử dụng tiếng Tày nhiều hơn. Về nhà cũng giao tiếp bằng tiếng Tày với bộ mẹ nhiều hơn trước kia". 

Những hoạt động ngoại khóa, giao lưu học sinh dân tộc thiểu số như thế này giúp các em tự tin duy trì tiếng nói, chữ viết dân tộc mình. Học sinh đạt kết quả “kép”, vừa giỏi tiếng mẹ đẻ, vừa giỏi tiếng Việt và cũng có thể giỏi cả ngoại ngữ để đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông 2018 trong bối cảnh hội nhập. Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS và THPT huyện Bảo Thắng cho biết: "Mô hình học sinh dân tộc thiểu số học tiếng mẹ đẻ, với mục tiêu không để học sinh dân tộc thiểu số nào không biết tiếng nói của dân tộc mình. Chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì, nhân rộng trong những năm học tới".

Dạy tiếng mẹ đẻ như là một phương án để học sinh dân tộc thiểu số vùng cao học tốt tiếng Việt. Tại thị xã Sa Pa, huyện Bắc Hà, huyện Mường Khương và huyện Si Ma Cai đã có gần 20 trường phổ thông áp dụng việc dạy tiếng Mông như môn học chính khóa. Thông qua đó đã giúp các em thêm yêu quý, từ đó phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình trong cuộc sống.

Thu Hường – Tuấn Nam


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết