Khát vọng tìm "con" chữ để xóa nghèo

09:45 28-12-2020 | :93

Laocaitv.vn - Xóa mù chữ là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, hướng tới mục tiêu “Nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài”. Vì vậy, ngay sau khi tái lập tỉnh, sự nghiệp giáo dục nói chung và công tác xóa mù chữ nói riêng được các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương của Lào Cai quan tâm thực hiện. Đặc biệt, từ khi chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được triển khai, công tác xóa mù chữ càng được đẩy mạnh và đạt được nhiều kết quả nổi bật. Ghi nhận tại thị xã Sa Pa.

Sau khi tham gia lớp xóa mù chữ, giờ đây chị Sa đã biết đọc, viết, biết tìm hiểu kinh nghiệm làm kinh tế từ sách, báo.

Không biết chữ thì sẽ không đọc được, viết được, không học được các kinh nghiệm làm kinh tế trên sách, báo… nhận thức rõ những thiệt thòi ấy, cô gái người Mông Lý Thị Sa, thôn Bản Pho, xã Mường Hoa, thị xã Sa Pa quyết tâm phải học bằng được cái chữ. Chị nhờ con trai dạy học chữ. Mỗi buổi tối chị lại tham gia các lớp học xóa mù. Chị Lý Thị Sa chia sẻ: “Giờ đây tôi đã biết đọc, biết viết. Bây giờ tôi cũng làm du lịch nên cũng biết nhắn tin bằng điện thoại với khách du lịch, khi họ hỏi rồi”.

Những mặc cảm khi không biết chữ của chị Lý Thị Sa cũng là tâm trạng chung của rất nhiều người nông dân khác ở Mường Hoa. Và đây cũng chính là động lực để thôi thúc bà con đến với những lớp học xóa mù. Sau một ngày làm việc vất vả, mỗi buổi tối những người nông dân ở Mường Hoa lại cùng nhau đến lớp, ê a những bài học vỡ lòng. Lớp học đặc biệt ấy, có già, có trẻ, đủ các thành phần, lứa tuổi, cùng dắt nhau đi tìm “con” chữ để mong có cơ hội đổi đời. Chị Giàng Thị Dinh, thôn Bản Pho, xã Mường Hoa, thị xã Sa Pa chia sẻ: “Học lớp xóa mù chữ nên tôi biết viết tên chồng, tên các con, đi mua thuốc cũng biết đọc rồi. Bây giờ tôi biết chữ thì tôi sẽ tiếp tục hướng dẫn cho các con và cho chị em khác cùng học”.

Lớp xóa mù chữ được tổ chức vào buổi tối và có nhiều độ tuổi cùng tham gia.

Tại thị xã Sa Pa, thống kê vào thời điểm tháng 10/2014, số người mù chữ ở độ tuổi 15 - 35 của địa phương này khá cao, đặc biệt số người trong độ tuổi từ 26 - 35 mù chữ chiếm 10,44%. Trong 5 năm qua, thị xã Sa Pa đã tích cực triển khai đề án “Xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ” trên địa bàn, giai đoạn 2015-2020, giao chỉ tiêu mở lớp đến 17 trung tâm học tập cộng đồng của 17 xã có người mù chữ, thực hiện theo từng năm, từ năm 2015 đến năm 2019. Ngành Giáo dục và chính quyền các địa phương đã nỗ lực để duy trì hiệu quả lớp học xóa mù và chống tái mù, khuyến khích phong trào học tập trong cộng đồng. Cô giáo Đào Thị Xuyến, Giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú TH&THCS Hầu Thào, xã Mường Hoa, thị xã Sa Pa cho biết: “Bản thân tôi cũng tự học tiếng Mông từ bà con, rồi trong mỗi tiết học có sử dụng song song cả 2 thứ tiếng để làm sao bà con hiểu nhanh nhất. Cùng với đó, tôi còn sử dụng các hình ảnh trực quan, dùng máy tính để trình chiếu trong quá trình dạy học.

Ông Giàng A Chu, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Hoa, thị xã Sa Pa cho biết: “Xã tổ chức các buổi họp phân công hiệm vụ cho từng thành viên trong ban chỉ đạo, tiến hành họp thôn, rà soát học viên, tổng hợp danh sách gửi về Phòng Giáo dục để tổ chức lớp. Bà con chủ yếu học để phục vụ cho phát triển du lịch cộng đồng. Hiện nay, xã không còn người không biết chữ”.

Với những nỗ lực đó, hết năm năm 2019, thị xã Sa Pa đã thực hiện vượt kế hoạch giao; 94.3% số người độ tuổi từ 15 - 35 biết chữ mức 2; 16/16 xã, phường đạt chuẩn phố cập giáo dục xóa mù chữ mức độ 2. Kết quả của công tác xóa mù chữ không chỉ được thể hiện qua những con số. Vượt lên trên những vất vả của cuộc sống mưu sinh, những hạn chế về tuổi tác, nhận thức, người nông dân vùng cao Sa Pa, bằng tinh thần hiếu học đã quyết tâm học "con" chữ để nâng cao trình độ hiểu biết, nâng cao cuộc sống của chính mình. 

Thu Hường - Tuấn Nguyễn


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết