Laocaitv.vn - Ngay từ khâu lựa chọn giống, trồng và chăm sóc, vùng chè Lào Cai đã và đang tuân thủ các điều kiện để có được sản phẩm tốt nhất. Quá trình sơ chế, chế biến, các doanh nghiệp, HTX cũng đang có nhiều biện pháp để kiểm soát chất lượng, sản phẩm đưa đến người tiêu dùng là an toàn và đảm bảo sức khỏe.
Mỗi ca chế biến, HTX chè Mường Khương đều thử, đánh giá thành phẩm. 3 mẫu chè được anh Nguyễn Văn Mạnh, cán bộ phụ trách sản xuất tại HTX chè Mường Khương lấy ngẫu nhiên trong quá trình chế biến. Với nhiều kinh nghiệm trong chế biến chè, nhìn màu nước, anh Mạnh cũng có thể biết được lỗi ở từng quy trình chế biến hoặc từ quy trình sản xuất trên đồng ruộng của nông dân. Cách làm này đã giúp sản phẩm luôn có được đơn hàng ổn định từ khi HTX đi vào hoạt động đến nay.
Anh Mạnh cho biết: "Vấn đề vệ sinh phải đặt lên hàng đầu, từ khâu thu hái, bảo quản, sản xuất. Mỗi năm, cơ quan quản lý chất lượng lẫy mẫu 1 lần. Vì khi xuất khẩu, hải quan cũng kiểm tra chất lượng một lần nữa thì mới cho mình xuất".
Chè được kiểm tra ngẫu nhiên trong quá trình chế biến để đảm bảo chất lượng tốt nhất khi xuất bán.
Từ hái chè trên nương đến khi đưa chè búp vào dây truyền chế biến, qua nhiều công đoạn, chè thành phẩm tiếp tục được nhiều đơn vị lấy mẫu giám sát ngẫu nhiên. Cách làm này giúp cho chè có nguồn gốc từ Lào Cai luôn ổn định thị trường.
Ông Vũ Minh Đức, Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Phong Hải Lào Cai cho biết: "Căn cứ vào yêu cầu của khách, chúng tôi cũng phải gửi mẫu để các đơn vị đánh giá độc lập. Đảm bảo các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, nên tất cả hàng hóa không có lô hàng nào bị trả lại".
Lào Cai có hàng chục sản phẩm chè đạt sao OCOP các cấp.
Huyện Bắc Hà hiện có hơn 1.000 ha chè hữu cơ, sản phẩm chế biến chủ yếu được xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Ngoài ra, có 215 ha chè đạt tiêu chuẩn VietGAP tại huyện Bảo Yên, sản phẩm chủ yếu xuất khẩu sang Đài Loan. Còn phần lớn sản lượng chè khô của Lào Cai được xuất khẩu sang thị trường Trung Đông. Tuy nhiên, giá chè xuất khẩu của Lào Cai còn ở mức thấp. Vì vậy, yêu cầu về nâng cao chất lượng cần phải được hướng tới.
Ông Hà Ngọc Đạt, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Lào Cai cho biết: "Giải pháp căn cơ là chúng ta phải tập trung quy hoạch vùng nguyên liệu; mở rộng các diện tích chè được chứng nhận theo các tiêu chuẩn chất lượng tiên tiến; phải củng cố, thiết lập chuỗi liên kết. Các HTX đóng vai trò tổ chức sản xuất, quản lý giám sát các hoạt động sản xuất theo tiêu chuẩn".
Đản bảo an toàn từ khâu sản xuất đến chế biến đang giúp Lào Cai có đến cả chục sản phẩm chè đạt sao OCOP các cấp. Đây là điều kiện để chè Lào Cai ổn định thị trường xuất khẩu, giúp nông dân có thu nhập ổn định từ cây trồng chủ lực của tỉnh.
Ngọc Hà – Lương Mạnh – Ngọc Dương
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ
Tiếng việt có dấu
Không chứa liên kết
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết