Cần kiểm soát nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp

19:37 27-12-2020 | :545

Laocaitv.vn - Ở nhiều địa phương trong tỉnh, nguồn nước xả thải từ sản xuất công nghiệp, nước thải sinh hoạt, chăn nuôi chưa qua xử lý đã xả trực tiếp xuống hệ thống hồ chứa, đập thủy lợi. Từ đây, nguồn nước ô nhiễm sẽ đến khu vực sản xuất của nông dân cũng như ngấm xuống đất, ảnh hưởng đến mạch nước ngầm. Cần phải có thời gian để phân tích những ảnh hưởng của nước xả thải vào hệ thống thủy lợi nhưng trước mắt, mùi hôi thối từ nước xả thải chưa qua xử lý đang tác động trực tiếp đến cuộc sống của người dân quanh khu vực.

Các mảng bám có cặn màu xanh, sủi bọt nổi trên mặt Đập thủy lợi Bầu Bàng xã Cốc Mỳ.

Nhìn bằng mắt thường, nước ở Đập thủy lợi Bầu Bàng xã Cốc Mỳ, huyện Bát Xát có màu xanh, giống với màu xanh của kim loại đồng bị ô xi hóa và sùi bọt, cặn màu xanh còn bám tạo thành từng mảng. Theo người dân quanh khu vực Bầu Bàng, ngày nắng hanh, nước có mùi hôi tanh, gây khó thở. 4 năm trở lại đây, việc sản xuất lúa của nông dân gặp nhiều khó khăn, năng suất sụt giảm nghiêm trọng mà công chăm sóc lại nhiều hơn. Anh Đặng Văn Đương, thôn Bầu Bàng, xã Cốc Mỳ, huyện Bát Xát chia sẻ: “Chúng tôi lấy nước vào canh tác, lúa bị vàng hết nhưng vẫn phải lấy cho ướt ruộng xong là phải cắt đi, vì nước như bị ô nhiếm ấy. Khoảng hơn 20 nhà lấy nước ở suối này. Xuống đến bên dưới kia thì dòng suối này nhập với suối to, cùng với mấy đập thủy lợi nữa thì nước sẽ đỡ hơn”.

Nước thải sinh hoạt của các nhà dân thải trực tiếp xuống dòng suối Na Pao.

Suối Na Pao được người dân nhiều khu vực của xã Bản Lầu, huyện Mường Khương dùng để tưới tiêu cho sản xuất, thế nhưng nước thải sinh hoạt đã xả trực tiếp xuống dòng suối. Tại khu vực cầu, có cả rác thải sinh hoạt, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật, chuồng nuôi nhốt gia súc. Nước lấy lên từ dòng suối có nhiều nguồn chất thải nhưng được những nông dân như chị Nguyễn Thị Thành sử dụng để tưới cho rau ăn sống. Chị Nguyễn Thị Thành, thôn Na Pao, xã Bản Lầu, huyện Mường Khương cho biết: “Khu vực chỗ tôi sinh sống, người dân ở đây tự trồng rau, lấy nguồn nước từ suối tưới rau thôi. Nước ở suối nhìn mắt thường cũng không sạch lắm nhưng chúng tôi cũng chỉ biết lấy nước suối để dùng”.

Tại khu vực cầu, có cả rác thải sinh hoạt, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật.

Người dân lấy nước tại suối Na Pao để tưới rau ăn hằng ngày.

Trên địa bàn tỉnh nhiều kênh thủy lợi dẫn nước có nguồn chưa được kiểm soát về chất lượng. Để phân tích về các thành phần lý hóa trong nước xả thải có ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe con người và chất lượng nông sản thì cần có thời gian, nhưng ảnh hưởng đầu tiên chắc chắn ai cũng nhìn thấy được chính là mùi hôi thối gây ô nhiễm môi trường không khí, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của chính những người dân địa phương. Ông Nguyễn Đức Dũng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Lào Cai cho biết: “Định kỳ hằng quý, hằng tháng chúng tôi có hệ thống giám sát, kiểm tra đánh giá chất lượng nước xả thải vào các công trình thủy lợi. Từ đó, chúng tôi khuyến cáo người dân có các biện pháp sử dụng hợp lý và các đơn vị khai thác hầm lò có các biện pháp xử lý tốt hơn”.

Nước xả thải từ hoạt động sản xuất công nghiệp, nước thải sinh hoạt, chăn nuôi hay làng nghề, nếu không được thu gom, xử lý đúng quy trình và triệt để thì không những ảnh hưởng đến nguồn nước và sinh vật nước mà còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn đất. 36 mẫu nước được lấy trên các kênh mương thủy lợi trong toàn tỉnh đang được phân tích các chỉ số để tới đây, cơ quan chức năng sẽ đưa ra những cảnh báo đối với những khu vực nguồn nước bị ô nhiễm. Cũng từ đây, chính mỗi nông dân cũng cần thay đổi thói quen canh tác, đó là sử dụng nguồn nước có kiểm soát để phục vụ sản xuất.

Ngọc Hà - Thành Thuận


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết