Chàng trai người Hà Nhì và khu vườn dược liệu quý

15:31 19-03-2021 | :1137

Laocaitv.vn - Là hộ dân đầu tiên ở thôn có thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi năm từ cây dược liệu quý, anh Có Thó Suy, thôn Lao Chải, xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát đã trở thành tấm gương sáng cho bà con trong thôn học tập và làm theo.

Anh Có Thó Suy (áo trắng) chia sẻ kinh nghiệm trồng cây dược liệu cho người dân địa phương.

Khoảng vườn rộng chỉ vài chục m2 của anh Có Thó Suy ở thôn Lao Chải, xã Trịnh Tường hiện có tới hàng trăm cây thất diệp nhất chi hoa hay còn gọi là cây rắn cắn, cây sâm rừng... Trong đó, có nhiều cây đã được thương lái đặt tiền mua với giá từ 5 - 10 triệu đồng. Trung bình mỗi năm, vườn thuốc mang lại cho Có Thó Suy nguồn thu lên tới hàng chục triệu đồng. Nhưng không chạy theo lợi nhuận trước mắt, anh Suy đã chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết để nguồn dược liệu quý này có sự phát triền bền vững.

"Cây rắn cắn là loài thuốc quý của cha ông từ xưa, nhưng tìm được ở tự nhiên bây giờ rất hiếm nên tôi đã vào rừng tìm mang về trồng ở vườn nhà. Khi cây có củ thì tôi bán, còn để lại cây già lấy hạt ươm, nhân giống chia cho bà con và bán cây giống cho những người cần, như vậy được nhiều tiền hơn mà lại có nguồn thu lâu dài", anh Có Thó Suy, thôn Lao Chải, xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát chia sẻ.

Cây thất diệp nhất chi hoa hay còn gọi là cây rắn cắn.

Từ vườn ươm của mình đã có rất nhiều cây giống được anh Có Thó Suy cung cấp cho những hộ dân trong thôn có nhu cầu. Hiện nay, trong thôn Lao Chải hầu như trong vườn nhà nào cũng trồng cây thất diệp nhất chi hoa.

"Thấy nhà cháu Suy trồng bán được tiền nên tôi cũng xin giống về trồng, mong ít nữa được bán có thu nhập, không thì để dành cho con cháu. Hơn nữa thời gian tới, Nhân dân chúng tôi cũng muốn có người đến thu mua lâu dài", ông Chu Giờ Có, thôn Lao Chải, xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát bày tỏ.

"Bà con trong thôn Lao Chải và nhất là thanh niên đến tham quan, học hỏi mô hình của anh Có Thó Suy rất nhiều và một số mô hình đã cho hiệu quả. Chúng tôi nhận thấy đây là một mô hình rất triển vọng giúp bà con Nhân dân, nhất là các bạn trẻ phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập", anh Lý Xe Xa, Bí thư Đoàn thanh niên xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát nói.

Với những cách làm sáng tạo của anh Có Thó Suy, cộng với sự quan tâm, đồng hành của tổ chức đoàn, hy vọng mô hình trồng cây dược liệu quý này sẽ ngày càng phát triển giúp bà con dân tộc thiểu số ở thôn đặc biệt khó khăn ở địa phương có nguồn thu cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Mai Huệ - Minh Dũng


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết