Chính sách mới tập trung vào doanh nghiệp khỏe, doanh nghiệp yếu chưa được hỗ trợ

09:35 12-11-2021 | :612

Laocaitv.vn - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa nhận thời gian qua chính sách thông qua giảm, hoãn thuế mới tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp khỏe. Các doanh nghiệp yếu, bị mất doanh thu thì chưa được quan tâm, hỗ trợ đúng mức.

Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trước Quốc hội sáng nay (12/11), nhiều đại biểu quan tâm đặc biệt đến chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh ảnh hưởng nặng nề vì dịch bệnh.

Đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) đặt vấn đề khó khăn đối với các doanh nghiệp nội trong giai đoạn hiện nay. 9 tháng đầu năm, ông An cho biết 91.000 doanh nghiệp đã rút lui khỏi thị trường. Số này chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, lĩnh vực thương mại, dịch vụ. Ông đề nghị Bộ trưởng đánh giá kỹ đối với các chính sách hỗ trợ khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Còn đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) hỏi về cách tiếp cận xây dựng biện pháp khôi phục kinh doanh khi doanh nghiệp đang gặp khó khăn, như nguồn vốn đứt đoạn, nguồn cung lao động thiếu, chuỗi cung ứng đứt gãy. Theo bà Nga, Chính phủ phải có giải pháp vừa tổng thể, vừa ưu tiên trong khi ngân sách còn khó khăn.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương. (Ảnh: Media Quốc hội)

Trả lời câu hỏi của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết có 7 cách tiếp cận xây dựng biện pháp khôi phục kinh doanh khi doanh nghiệp đang gặp khó khăn. Thứ nhất, sẽ tiếp cận theo diễn biến của tình hình dịch bệnh, tiến độ tiêm vaccine và khả năng cung ứng thuốc điều trị khi chuyển sang trạng thái bình thường mới, đó là thích ứng toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả. Từ đó, sẽ chủ động xây dựng các phương án và kịch bản ứng phó.

Thứ hai, xây dựng chính sách theo hướng mở để có thể điều chỉnh một cách linh hoạt, phù hợp với nhu cầu thực tế của các đối tượng cần hỗ trợ trong từng thời gian cụ thể.

Thứ ba, phải vừa hỗ trợ phục hồi nhanh trong ngắn hạn nhưng vừa kết hợp lồng ghép với các chiến lược và kế hoạch 5 năm trong dài hạn.

Thứ tư, các chính sách bảo đảm các mục tiêu cao nhất, phải ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế như an toàn quốc gia về hoạt động ổn định các tổ chức tín dụng, các chỉ tiêu về nợ công, bội chi, lạm phát… và phải đảm bảo các mục tiêu.

Thứ năm, các chính sách này phải hướng tới tác động cả về phía cung và phía cầu, cả về kinh tế lẫn an sinh xã hội, lao động, việc làm và phải có trọng tâm, trọng điểm.

Thứ sáu, phải phù hợp với khả năng huy động và trả nợ.

Cuối cùng, phải có một nhóm nhiệm vụ, giải pháp để kiểm soát, giám sát chặt chẽ, đảm bảo hiệu quả và phải đạt được mục tiêu đã đề ra trong chương trình. 

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Thừa nhận thực trạng doanh nghiệp khó khăn, khó tồn tại mà các đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết vừa qua các chính sách hỗ trợ mới chủ yếu hướng tới doanh nghiệp khỏe, có doanh thu, có lợi nhuận. Song, doanh nghiệp yếu, bị mất doanh thu thì chưa được quan tâm, hỗ trợ đúng mức.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, khó khăn hiện nay của doanh nghiệp tập trung chính vào vấn đề tổng cầu, khi sản lượng, doanh thu giảm mạnh. Tiếp đến là doanh nghiệp khó khăn dòng tiền, không có sản xuất thì không có nguồn thu; khó khăn về chi phí đầu vào đang tăng rất cao; khó khăn về vấn đề lao động. Sau khi có Nghị quyết 105, 128 của Chính phủ, tinh thần doanh nghiệp đã tương đối tích cực hơn, các doanh nghiệp đã mở cửa tái sản xuất.

"Tại các khu công nghiệp phía nam, 92-96% doanh nghiệp đã khôi phục sản xuất, 70-75% lao động trở lại. Dự kiến đến quý I năm 2022, 100% doanh nghiệp sẽ khôi phục hoạt động hoàn toàn", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thông tin.

Thời gian qua chính sách thông qua giảm, hoãn thuế mới tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp khỏe, vẫn tạo ra doanh thu và lợi nhuận. (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, với vấn đề hỗ trợ, Bộ trưởng cũng thừa nhận, thời gian qua chính sách mới tập trung hỗ trợ vào các doanh nghiệp khỏe, những doanh nghiệp vẫn còn tạo ra doanh thu và lợi nhuận, thông qua các chương trình giảm thuế, hoãn thuế.

"Những doanh nghiệp yếu đúng là chưa được quan tâm hỗ trợ", Bộ trưởng cho biết. Các chính sách cho nhóm này vẫn dừng ở các gói hỗ trợ chung, tổng thể. Theo đó, ông Dũng cho rằng cần thiết phải có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khó khăn trong thời gian tới./.

Trần Ngọc-Nguyễn Quỳnh/VOV.VN


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết